“Sao mẹ tôi không còn để được chứng kiến con cháu đón xuân trong nhà mới” - chị Lê Thị Huệ rớm nước mắt khi tâm sự với chúng tôi trong lễ nhận căn nhà nghĩa tình được Đảng ủy, chính quyền, Hội CCB xã Phong Vân, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội bàn giao cho thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tao. Chị Huệ cho biết, bố chị, liệt sĩ Lê Văn Tao hy sinh năm 1968, mẹ chị cũng vừa mới mất. Hiện căn nhà cấp bốn vốn là nơi thờ cúng cha chị và là nơi ở của chị cả Lê Thị Tạc bị hư hỏng nặng hầu như không thể ở được. Bản thân chị Tạc mang bệnh tật trong người, cuộc sống chỉ trông vào khoản trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ, thời gian qua vẫn phải ở nhờ nhà hai cô em gái. Cùng với nguồn hỗ trợ từ T.Ư Hội CCB Việt Nam, Quỹ “Vì người nghèo”, tiền hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công và đóng góp của các nhà hảo tâm, căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng vững chãi đã được dựng lên trên nền đất của căn nhà cũ, đem lại niềm vui trong những ngày xuân mới cho thân nhân liệt sĩ.
Trong những ngày cuối năm này, khi không khí chuẩn bị cho cái Tết tấp nập ở khắp nơi. Không khí xuân chạm ngõ từng nếp nhà, sự rộn rã, tưng bừng của mùa xuân ấy càng ấm áp hơn dưới những ngôi nhà tình nghĩa mới được hoàn thành.
“20 năm qua, chưa một lần có tiền để tự mua một tấm áo mới nên ước vọng có một ngôi nhà với tôi là giấc mơ xa vời không dám nghĩ tới” - Đó là tâm sự của CCB Bùi Văn Thanh ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nhà vốn đã rất nghèo, lại nằm trong diện di dân lấy đất làm hồ thủy điện nên gia đình anh phải chuyển chạy nước lòng hồ. Một năm phải chuyển chỗ ở theo mực nước dâng tới 2,3 lần. 4 năm di chuyển 8 lần và toàn là trú ngụ tại lều, lán. Túp lều hiện gia đình anh ở chỉ vẻn vẹn có 7,5m2 cho 6 người sinh hoạt. Anh bảo: “Cơm bữa no bữa đói, tiền đâu ra mà sang sửa nhà cửa chứ đừng nói xây mới. Việc có được nơi an cư ổn định tôi chưa bao giờ dám mơ tới”. Nhưng giấc mơ đó đã trở thành sự thực: Tết Đinh Dậu này, anh Thanh và gia đình được đón xuân trong căn nhà khang trang thấm đậm nghĩa tình vừa được Hội CCB xã Vầy Nưa, Huyện hội Đà Bắc trao tặng. Có được căn nhà này là nhờ thông qua Tỉnh hội, Huyện hội, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tài trợ 50 triệu đồng, cộng với sự đóng góp của đồng đội, của các CCB và nhân dân địa phương, Hội CCB xã Vầy Nưa tổ chức xây dựng giúp anh Thanh.
Đó chỉ là hai trong số hàng triệu ngôi nhà tình nghĩa được chuyển giao cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà có được nơi an cư lạc nghiệp là giấc mơ tưởng như không thể với tới. Khởi đầu của phong trào xây nhà tình nghĩa xuất phát từ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Tháng 2-1982, chương trình chăm lo cho gia đình chính sách có công chuyển bước đáng ghi nhớ khi cán bộ, công nhân viên Công ty Sửa chữa nhà (thuộc Sở Nhà đất TP. Hồ Chí Minh) đóng góp xây dựng căn nhà cho gia đình anh Đào Văn Của và chị Nguyễn Thị Tuyết - hai vợ chồng đều là thương binh 1/4 - ở ấp Phước Hòa xã Phước Hiệp huyện Củ Chi. Từ đây, cụm từ “nhà tình nghĩa” hình thành. Từ TP. Hồ Chí Minh, “dấu son” nhà tình nghĩa lan rộng về các địa phương trong cả nước, trở thành điểm sáng tri ân của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua chương trình “Vì người nghèo” của MTTQ Việt Nam, đã có gần 1,5 triệu ngôi nhà nghĩa tình được chuyển giao cho các hộ nghèo trong 16 năm qua. Và riêng đối với Hội CCB Việt Nam, chỉ tính trong năm 2016 đã xóa được gần 4.000 nhà dột nát, hư hỏng cho các hội viên CCB nghèo.
Rất nhiều người nghèo không còn phấp phỏng lo âu trước mùa mưa bão. Họ được tận hưởng niềm vui khi có một mái nhà kiên cố, ở đó, mỗi bức tường, viên gạch đều mang đậm dấu ấn mối đoàn kết, gắn bó của nghĩa Đảng, tình dân.
Một mùa xuân đang đến mang những điều mới mẻ, tốt đẹp trên những ngôi nhà đầy ắp tình người và thắm đượm mối đại đoàn kết toàn dân.Với những gia đình ấy, xuân này đẹp hơn bao giờ hết bởi bao khốn khó, bao lo toan bấy lâu đã dần lùi xa vào quá khứ, nhường chỗ cho những mầm xuân đẹp đẽ đâm chồi vươn xa.
Bài và ảnh: Mai Anh