Nhà thơ Trần Đăng Khoa, lúc 8-9 tuổi đã có thơ về tiếng gà, với tiếng “Ò… ó… o…” của gà, nhà thơ cảm tưởng tiếng gà rất sống động, có tác động lạ kỳ, giục giã nhiều thứ bừng dậy, nảy sinh, có sức sống, có tình cảm:
“Giục quả na mở mắt tròn xoe/ Giục hàng tre đâm măng nhọn hoắt/ Giục con trâu ra đồng/ Giục đàn sáo trên trời chạy trốn/ Gọi ông mặt trời nhô lên rửa mặt… Thật là sống động, đầy sức sống, kích động vạn vật theo tiếng gà mà bừng nguồn sống trước bình minh.
Cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, lúc tuổi đồng ấu ngày xưa đã nghe tiếng gà rộn vui khi thức dậy và thấy vui vui:
Cúc cù cu, cúc cù cu/ Tiếng gà gáy giục nông phu ra đồng/ Hỡi ai đương ngủ giấc nồng/ Chợt nghe gà gãy hãy vùng dậy ngay!
Lớn lên, vừa qua tuổi đồng ấu, đã biết cảm nhận, lại thấy tiếng gà âm âm, não nùng trong thơ, như trong “Nắng mới” của nhà thơ Lưu Trọng Lư:
Mỗi lần nắng mới hắt bên sông/ Xao xác gà trưa gáy não nùng!
Tiếng gà phảng phất trong thơ ca, như là tiếng quê, mang âm hưởng hồn quê đất Việt, chứa chất nhiều cung bậc buồn, vui, làm nên nét đặc trưng của thơ ca Việt Nam. Đó là khi người ta thao thức lúc canh khuya, tâm hồn đồng vọng tiếng gà. Đó là lúc một mình ai đó đi trong ngàn xanh, tai nghe lanh lảnh, vẳng xa tiếng gà rừng, như là tiếng gà buồn bã của Võ Liêm Sơn trong bài “Cô lâu mộng”:
Nghe gà vén màn kêu trời hỏi/ Vừng nguyệt dòm song lặng không nói!
Thi sĩ Thúc Tề (1916-1946) nói đến tiếng gà trong thơ đã mơ hồ, vơi nhạt với nỗi buồn chán hơn, nhất là tiếng gà trong đêm trăng thanh vắng trên sông hoang lạnh cũng không còn não nùng, sầu thảm như trong thơ ca:
Dịp cầu Bạch Hổ mấy hồn ma/ Biến mất vì nghe giục tiếng gà/ Trăng tỉnh giấc mơ liềng biếng dậy/ Động lòng lệ liệu, giọt sương sa!
Tiếng gà thao thức trong thơ Trần Lê Văn cũng trong nỗi lòng buồn thương của người dân nước Việt, khi đất nước ta hơn hai chục năm, người ngoài Bắc, người trong Nam canh cánh nhớ nhung vô cùng, cả khi mịt mùng bom đạn, mất mát:
Vách xiêu, dòng máu còn hoen/ Đường quên lối bước, đêm quên tiếng gà!
Tiếng gà trong thơ của nhà thơ Thanh Tịnh, cũng và càng thể hiện rõ hơn như nỗi niềm của nhà thơ Trần Lê văn như ở bài “Nhớ Huế quê tôi”:
Mỗi lần phượng nở rung cành đỏ/ Càng giục canh suông rộn tiếng gà!
Đến lớp thi sĩ mới, sáng tác bằng thi pháp thơ mới, tâm hồn mới mang đậm chất quê, tình quê, cho ta thấy trong thơ họ có tiếng gà khác xưa, âm vang, vui vẻ, trẻ trung, nưh trong bài “Trưa hè” của Bàng Bá Lân:
Vo ve rung cánh, ruồi say nắng/ Gà gáy trong thôn những tiếng dài!
Và trong “Cổng làng” của ông, tiếng gà đã sống động, có sức sống hơn:
Trưa hè bóng lặng nắng oi/ Mái gà cục cục tùm mồi dắt con
Dân tộc ta chuyển mình, đất nước Việt Nam đứng lên trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thì tiếng gà trong tâm hồn các nhà thơ đã hào sảng, âm vang, hứng khởi, đằm thắm, đi tới, như tiếng gà trong ngày đầu kháng Pháp, ở bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên:
Có tiếng gà gáy xóm/ Có “khai hội” yêu cầu, chất vấn.
Cũng tâm hồn sảng khoái, hân hoan ấy, nhà thơ Bản Tài Đoàn đã viết:
Em xe vừa được cái bông cuộn/ Trong làng gà đã gáy o… o…
Thơ về tiếng gà của nhà thơ Nông Quốc Chấn vui vẻ, rộn ràng hơn:
Gà gáy lượt đầu…/ Nhưng tiếng vỗ tay còn hơn như nứa nổ!
Trong thơ Lê Khắc Thiền, ta cũng không chỉ thấy tiếng gà, mà còn thấy bóng dáng gà:
Mảnh vườn không ngõ rào giậu/ Sào sắn xanh che bóng lợn gà.
Con gà, không chỉ là bóng dáng, mà nó ùa vào cảnh trí, kể cả vào những bức tranh mà thi sĩ Minh Tiệp đã cho hiện trên trang thơ một cách sinh động, đầy sự sống:
Anh nuôi đàn mái ghẹ/ Lúa mùa rụng tung tóe/ Thả một chút đẫy diều/ Lớn mau như người thổi..
Tiếng gà ở thơ của thi sĩ Quang Dũng trong bài “Đường trăng” thì càng rộn rã, rung động và sự sống bừng lên khắp nơi, mọi cảnh, kể cả trong đêm tối:
Bao nhiêu giấc ngủ làng thôn động/ Gà chợt nhầm canh rộn gáy theo!
Đến Yến Lan, tiếng gà đã hòa vào cảnh tình cuộc sống, vui với cảnh trí và hoạt động của con người đang bừng sức sống, báo hiệu cuộc đời mới đang về:
Bao năm trẻ nối tay già/ Con quay cuộn cả tiếng gà rạng đông!
Đến Tố Hữu, tiếng gà đã khác hẳn - khởi sắc hơn, bừng sáng hơn, tươi mới hơn, nhất là trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 61”:
Gà gáy sáng. Thơ ơi mang cánh lửa…
Ở thời đại mới này, cuộc đời con người đang tung cánh bay, thì tiếng gà đã mê say, có âm hưởng, có hình bóng trong cuộc sống lao động, chiến đấu của dân tộc. Hiện rõ cảnh tình này, là trong bài “Trăng Trường Sơn” của nhà thơ Trần Ninh Hồ:
Nửa năm trăng ở liền ta/ Từ sao hôm suốt tiếng gà sang canh
Nhà thơ Huy Cận cũng rung cảm, nhưng tiếng gà trong bài thơ “Giờ trưa” cho ta thấy tiếng gà đã lạ hơn, vui hơn, kỳ diệu hơn, khi bom đang rơi, đạn đang nổ, dân đang khổ, mà trong tâm trí mọi người, tiếng gà đang dõng dạc như sức mạnh, sự kiên cường, lòng yêu thương đang thách thức kẻ thù hung hăng, tàn bạo:
Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục/ Con gà mái lại đâu đây cục tác/ Báo với đời thêm một trứng tròn/ Anh bộ đội ngoài đồng ngồi trên mâm pháo bóng tròn vo.
Đến “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh càng thấy cả cộng đồng gà hình dáng nuột nà sắc màu hơn, rộn rã hơn và có giấc mơ đẹp đẽ:
Tiếng gà trưa/ Ổ rơm hồng những trứng/ Này con gà mái tơ/ Khắp mình hoa đốm trắng/ Này con gà mái vàng/ Lông óng như màu nắng.
Cũng như tiếng gà, hình đáng và đời sống cộng đồng gà… trong thơ Hoài Anh còn thể hiện cảnh vật có sức gợi hơn, sống động hơn, rộn rã, vui vẻ hơn và đậm nét hơn hình dáng con gà, nhất là trong “bức tranh gà”:
Bác thợ lật giấy/ Con gà đứng dậy/ ồ sao bỗng thấy/ Mắt gà chớp nhanh…/ Cổ vươn tiếng gáy/ O… o… bình minh!
Trên đây, qua những vần thơ, như chúng ta đã đi xa về gần, thu nhặt ra những vần thơ, làm rộn lên những tiếng gà trong thơ ca Việt Nam. Điều đó đã làm cho chúng ta rung cảm sâu sa với tiếng gà trong thơ ca cũng như tâm hồn các thi nhân cùng tình cảm nhân dân luôn gần với tiếng gà, con gà và đang tỏa ra, hòa cùng tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Nguyễn Tiến Bình