Với tình cảm thương nhớ và biết ơn những đồng đội đã cùng sống, chiến đấu; đã hi sinh một phần cơ thể và tính mạng của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, tối ngày 22-7, tại Hà Nội, T.Ư Hội CCB Việt Nam phối hợp cùng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) tổ chức thành công Chương trình giao lưu nghệ thuật “Tri ân tháng Bảy” - một chương trình mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7).

Đến dự chương trình giao lưu đầy ý nghĩa này có các đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó ban Tuyên giáo T.Ư; Trần Hanh, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Nguyễn Đăng Tiến, Tổng giám đốc Đài TNVN; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo các CCB, quân nhân, thanh thiếu niên học sinh Thủ đô. Cuộc giao lưu cũng thu hút sự đồng cảm, quan tâm theo dõi của đông đảo CCB và nhân dân cả nước qua truyền hình trực tiếp trên kênh VOV Đài TNVN.

“Ăn quả nhớ người trồng cây”, có được cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay, mỗi người Việt Nam ghi nhớ khi cách đây 65 năm, tại An toàn khu Thái Nguyên lịch sử, Bác Hồ kính yêu đã có thư gửi đồng bào cả nước về công tác thương binh, trong đó Người căn dặn: “Máu đào của các chiến sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói; sự hi sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Cho nên, đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Từ đó, cứ đến tháng 7 hàng năm, lòng mỗi người lại cùng hướng về các hoạt động tri ân các thương binh, liệt sĩ. Đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở tại tất cả các địa phương những ngày này rợp đỏ sắc cờ và băng-rôn tôn vinh những người anh hùng và cùng với đó là hàng vạn, hàng triệu việc làm “Đền ơn đáp nghĩa”, quyên góp tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.

Thời tiết Hà Nội những ngày tháng bảy này thật nóng bức, ngay trong ngày diễn ra buổi giao lưu, nhiệt độ được báo lên đến 38 độ C và buổi tối có mưa to, vậy mà ngay từ lúc 18 giờ, khi chúng tôi đến, các đại biểu đã đến dự Chương trình giao lưu tổ chức tại hội trường Đài TNVN thật đông đủ, hội trường chật kín người. Đúng 20 giờ, chương trình được bắt đầu với phần một “Đồng đội tri ân”. Nhớ ơn các liệt sĩ, thương binh, phát biểu khai mạc cuộc giao lưu, đồng chí Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam nêu rõ: Hơn 23 năm qua, kể từ khi thành lập, các cán bộ, hội viên Hội CCB Việt Nam đã luôn quan tâm đến việc “Đền ơn đáp nghĩa”. Bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, các cấp Hội đã thường xuyên góp công, góp sức tu sửa NTLS, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ VNAH, tham gia nuôi dưỡng CCB và con CCB bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, đi tìm và quy tập mộ liệt sĩ, làm nhà tình nghĩa cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn… Với chương trình giao lưu nghệ thuật hôm nay, chúng ta nhớ về một thời hào hùng và oanh liệt của dân tộc, về sự hi sinh và hiến dâng của các thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến; vinh danh các tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp xây dựng Quỹ “Nghĩa tình 27-7” trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng chí Phùng Khắc Đăng thay mặt lãnh đạo T.Ư Hội công bố quyết định tặng 200 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất cho các thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương trong cả nước.

Cả hội trường như chìm trong tiếng vỗ tay khi diễn ra cuộc giao lưu với các vị khách mời. Nói khách mời nghe xa nhưng thực ra, toàn các CCB nhà mình cả: CCB Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty golf Long Thành, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người mà những năm qua đã góp hơn 400 tỷ đồng cho các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” và hoạt động từ thiện; CCB, thương binh 1/4 Nguyễn Trần Đoàn, tấm gương tiêu biểu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết và tổ chức tốt hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp thương bệnh binh và CCB TP Hải Phòng và CCB; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó bí thư Đảng ủy Đài TNVN với những trải lòng: “Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tri ân các thương binh, liệt sĩ bằng vật chất và tinh thần với mức cao nhất có thể. Tháng 7 thật thiêng liêng với ngày giỗ chung của các liệt sĩ; những người lính chỉ chết khi không còn ai nhớ đến họ…”. Nói bao giờ cũng không hết, làm bao nhiêu cũng chưa đủ khi mà nỗi đau chiến tranh còn đó với 25 vạn liệt sĩ chưa được quy tập trên các chiến trường, 30 vạn liệt sĩ chưa rõ danh tính, cả đất nước còn phải nỗ lực rất nhiều để đền ơn, đáp nghĩa. Người nghe, người xem cùng đồng cảm với các phát biểu vì đó chính là lòng mình với những người đã quên mình vì đất nước, dân tộc Việt Nam.

Trong phần hai “Đất nước tri ân”, Chủ tịch Trần Hanh; Đại tá Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục chính sách Bộ Quốc phòng và Đại tá họa sĩ CCB Lê Duy Ứng là những người tham gia giao lưu. Cả hội trường lại vỗ tay nhiệt liệt khi biết Chủ tịch Trần Hanh, năm nay đã vào tuổi 80 nhưng vẫn tráng kiện và hết lòng với công việc. Chủ tịch Trần Hanh cho biết, ông và các cán bộ trong cơ quan vừa trở về từ chuyến đi tri ân các liệt sĩ tại Quảng Trị, ông rất xúc động khi được gặp và chứng kiến hàng trăm đoàn từ các địa phương trong toàn quốc về thăm chiến trường xưa và tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong đó có đoàn của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Vương Đình Huệ dẫn đầu. Chủ tịch cho biết, cùng với nhân dân cả nước, trong suốt 23 năm thành lập và hoạt động, các cấp Hội CCB Việt Nam với hơn 2,6 triệu hội viên CCB và 1,1 triệu CQN cả nước, những người cùng chiến hào, nhường cơm sẻ áo một thời với các thương binh, liệt sĩ, đã luôn hết lòng quan tâm đến công tác tình nghĩa, chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ và đạt được những kết quả to lớn, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận mà nổi lên như các tấm gương của Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam khóa III; CCB Lê Văn Kiểm; Hội CCB tỉnh Bến Tre… Chủ tịch cho biết, Quỹ “Nghĩa tình 27-7” của Hội CCB Việt Nam ra đời được 5 năm để kết nối những tấm lòng thảo thơm cả nước với các thương binh, gia đình liệt sĩ và đang ngày càng lớn mạnh. Thay mặt T.Ư Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Trần Hanh gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến các Bà mẹ VNAH, các thương binh và gia đình liệt sĩ trong cả nước nhân dịp 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ năm nay. Chuyện kể của Đại tá Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách Bộ Quốc phòng lại làm cho người nghe thực sự xúc động khi được biết, trong những năm qua, Cục đã cùng các cơ quan làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Đảng, Nhà nước về các chế độ, chính sách cho các đối tượng đã từng tham gia quân đội, từ đó đã có 3 triệu lượt người được hưởng chế độ. Cũng về công tác thương binh, liệt sĩ, trong các năm qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức 19 đơn vị đi tìm và hồi hương được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào, Cam-pu-chia… Câu chuyện của Đại tá, họa sĩ, thương binh, CCB Lê Duy Ứng lại thu hút sự quan tâm của mọi người khi được biết, ông trở thành thương binh 1/4, bị mù cả hai mắt khi cùng bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 nhưng những năm sau đó, ông luôn khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, đã sáng tác được hàng trăm bức tranh, hàng ngàn bức tượng được các giải thưởng trong nước và ngoài nước, đặc biệt là ông đã rất thành công khi vẽ tranh Bác Hồ với tất cả tấm lòng và nghị lực của mình… Mỗi câu chuyện được kể trong đêm giao lưu là mỗi tấm lòng với những người đã hi sinh một phần cơ thể hoặc hi sinh cả tính mạng của những người con tiêu biểu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu.

Xen kẽ giữa các chương trình là các tiết mục ca nhạc đặc sắc “Ca ngợi Tổ quốc”, “Đất nước”, “Màu hoa đỏ”, “Vọng phu”, “Lời ru cỏ non”, “Đồng đội”… của các nghệ sĩ Quang Thọ, Đăng Dương, Hồng Liên và các nghệ sĩ Đài TNVN; tiếng hát hào hùng, lời ca mượt mà như đi vào lòng mỗi người. 14 đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong hàng ngàn tổ chức và cá nhân nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Nghĩa tình 27-7” để cùng Hội CCB Việt Nam có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ và trẻ em bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin đã được vinh danh tại buổi giao lưu đầy ý nghĩa này.

Đêm đã khuya, chương trình đã đến phần kết nhưng ai cũng cảm thấy ngắn quá, ít quá. Làm việc nghĩa nên chẳng bao giờ là đủ, chia tay nhau ai cũng thấy lưu luyến và hẹn nhau cùng làm tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tri ân đồng đội”. Trời nổi cơn mưa như thử thách lòng người.

LDC