Lãnh đạo T.P Hồ Chí Minh tặng quà cho người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 76 năm Ngày TBLS (27.7.1947 - 27.7.2023).
Những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành T.Ư và cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được kết quả tốt. T.P Hồ Chí Minh là địa phương thực hiện rất tốt phong trào “Đến ơn đáp nghĩa”. Thành phố hiện đang quản lý 278.489 hồ sơ Người có công với cách mạng, thân nhân người có công và các đối tượng chính sách. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đạt được kết quả vượt bậc.Đặc biệt làđến nay, các đối tượng chính sách của thành phố không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo thành phố. Phóng viên Báo CCB Việt Nam đã có buổi phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa đồng chí, được biết T.P Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Xin đồng chí cho biết những nét chính trong công tác chỉ đạo và kết quả đạt được trong những năm qua?
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải: T.P Hồ Chí Minh luôn quan niệm việc chăm lo, hỗ trợ, tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, thương binh, Người có công… không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình cảm đối với những người đã cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những năm qua, thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay chăm lo công tác chính sách. Các chế độ đối với người có công với cách mạng luôn được đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời. Ngoài việc thực hiện các chế độ trợ cấp do T.Ư quy định, Thành phố đã hỗ trợ hàng tháng từ ngân sách thành phố cho một số nhóm đối tượng như: thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với mức 2 triệu đồng/tháng/người. Hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương cho mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng mức 2 triệu đồng/tháng, đảm bảo chế độ phụng dưỡng tốt cho các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.
Hằng năm, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, Tết Nguyên đán, thành phố luôn dành hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công tại địa bàn thành phố và các tỉnh thành.
Thành phố đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 188 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; Hỗ trợ cải thiện nhà ở hơn 2.700 hộ với tổng kinh phí hơn 121 tỷ đồng.
Hiện nay, Thành phố không còn hộ gia đình có thành viên thuộc diện chính sách có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thành phố; đang tập trung để nâng mức sống của hộ người có công lên bằng hoặc khá hơn mức sống bình quân trong khu dân cư nơi cư trú.
Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thành phố tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Viếng Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, tổ chức các đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm các đơn vị và gia đình chính sách tiêu biểu, Họp mặt Người có công tiêu biểu, phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,…
PV: Năm 2025, đất nước sẽ kỷ niệm những ngày lễ lớn: 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9... Thành ủy đã có chỉ thị giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải: Hướng đến năm 2025, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 30-12-2022 về việc tổ chức các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấpcủa thành phố: Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, công trình và đa dạng hóa các hoạt động chào mừng. Thành phố chủ động phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, kế hoạch của Ban chỉ đạo các ngày Lễ lớn T.Ư, trong đó:
- Tập trung trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng, nhà lưu niệm, tưởng niệm vừa mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, vừa bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, lãng phí. Việc quy hoạch xây dựng và thực hiện các công trình, chương trình trọng điểm, tiêu biểu phải gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đầu tư xây dựng các công trình tượng đài, quảng trường, các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa gắn với hình ảnh, quê hương và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo ra một tổng thể các công trình kiến trúc đặc trưng về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân thành phố.
- Tổ chức các hoạt động họp mặt truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân ở nơi Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từng đóng căn cứ trong kháng chiến; rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với nước; sửa chữa nhà tình nghĩa; chỉnh trang nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang chính sách, đền thờ, bia tưởng niệm,...
Với sự chỉ đạo sâu sát của T.Ư và tinh thần trách nhiệm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,tôi tin tưởng các hoạt động thiết thực chào mừng các ngày Lễ lớn năm 2025 sẽ nâng cao tinh thần yêu nước, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cũng như nâng cao đời sống của nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Nguyễn Hồng Thái (thực hiện)