Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi và Tổng thống Mỹ - Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi ngày 9-9.

Ấn Độ được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây khi nhiều quốc gia công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Bị đặt vào tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược, nhưng Ấn Độ lại coi đây là cơ hội để tỏ rõ sự việc chủ động cân bằng các mối quan hệ của mình, mang lại lợi ích quốc gia đồng thời duy trì được hòa khí vì hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới.

Bên cạnh các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhiều nước khiến Ấn Độ bị đẩy vào thế như đứng ở ngã ba đường, bản thân các mối quan hệ của Ấn Độ với các nước và tổ chức mà quốc gia Nam Á này là thành viên cũng cho thấy tính phức tạp của nó. Ví dụ, Ấn Độ là thành viên của nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên (nhóm Bộ tứ -  QUAD) - nhóm tuyên bố là hợp tác để bảo đảm an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng lại được cho là để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, New Delhi cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS mà cả Nga và Trung Quốc cũng là những thành viên trụ cột. Chả những thế, Ấn Độ lại còn có mối hợp tác quốc phòng với Nga và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Chỉ với ví dụ trên có thể thấy việc Ấn Độ có thể bị các cường quốc tìm cách gây sức ép để buộc phải chọn bên là có cơ sở. Thế nhưng, những biểu hiện ngoại giao rõ rệt từ bên ngoài thời gian qua cho thấy Ấn Độ thực sự độc lập trong đường lối ngoại giao của mình. Ấn Độ vẫn hợp tác quân sự với Nga và mua dầu của Nga dù Mỹ mất lòng nhưng không quyết liệt phản đối từ khi xung đột Nga -Ukraine nổ ra. Thành công của Hội nghị thượng đỉnh BRICS mà cả Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đều tham dự cuối tháng 8-2023 cho thấy hai quốc gia láng giếng Ấn Độ và Trung Quốc dù có nhiều căng thẳng về tranh chấp chủ quyền vẫn đề cao hợp tác thay vì đối đầu. Đặc biệt, việc Tổng thống Mỹ - Joe Biden tới thăm chính thức Ấn Độ và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tuần qua lại là minh chứng rõ rệt hơn của việc Ấn Độ có thể bắt tay với cả Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi, xung đột rõ rệt giữa Nhóm Bộ tứ và SCO/BRICS là không tồn tại với lập luận tất cả các cường quốc đều có quan hệ tương tác với nhau và không thể cắt đứt quan hệ với bất kỳ nước nào. Vậy nên, có thể gọi cách tiếp cận của Ấn Độ là “đa liên kết” hay “đa xu hướng", nhưng thực tế là như nhau. Hay nói cách khác, đó là sự cân bằng chiến lược chủ động. Ấn Độ cần Mỹ và các đồng minh vì cầnmột liên minh cân bằng có chung mối quan tâm trong việc đảm bảo một khu vực châu Á. Với mối quan hệ này, Ấn Độ gửi đi một thông điệp rằng bất kỳ quốc gia nào có “hành động sai trái” sẽ phải đối mặt với “cái giá rất đắt”.

Trong khi đó, sự tham gia của Ấn Độ vào SCO và BRICS không phải vì đây là những diễn đàn hội tụ lợi ích trực tiếp, mà thay vào đó là chiến thuật “bước một chân vào cửa”. New Delhi đang đặt mình ở vị trí là cầu nối giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Diễn đàn SCO và BRICS cũng mang đến một không gian trung lập để nguyên thủ các quốc gia gặp gỡ người đồng cấp của mình. Chẳng hạn, Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi vừa qua đã tạo điều kiện để Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi trao đổi trực tiếp.

Ấn Độ đang cùng lúc thu hút nhiều quốc gia khác quan tâm đến mình. Với sự quan tâm này, Ấn Độ lại có dịp thể hiện mình với thế giới. Với chức Chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ vừa củng cố niềm tin về tiềm năng kinh tế và địa chính trị của nước này thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần qua. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 đã được đưa ra, trái với hy vọng về một sự đổ bể của Hội nghị khi thiếu sự tham dự của Tổng thống Nga - Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cân Bình dù có sự tham gia của Tổng thống Mỹ - Biden và nguyên thủ của một số quốc gia khác. Nội dung của tuyên bố chung này cũng trái với mong muốn của một số quốc gia vì nó không trực tiếp coi Nga là “kẻ xâm lược” Ukraine nhưng lại dung hòa được tất cả các bên. Theo tuyên bố được Reuters trích dẫn, về cuộc chiến Ukraine, tất cả các nước được kêu gọi phải hành động một cách phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc: “Tất cả các quốc gia phải kiềm chế không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".

Thời cuộc nổi lên của chủ nghĩa đơn cực toàn cầu, đơn cực khu vực, xung đột, chiến tranh, đói nghèo, thiên tại, dịch bệnh … và bị đặt vào tâm điểm cạnh tranh, sự cân bằng chiến lược chủ động của Ấn Độ đã chứng tỏ được ưu thế.

Thanh Huyền