Tổng thống Joe Biden và Phu nhân đón Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi tại Nhà Trắng.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi tuần qua là một thành công lớn cho mối quan hệ song phương, với hàng loạt các hợp đồng lớn được ký kết. Chuyến thăm quan trọng này đánh dấu lần gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến lần thứ 10 của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2021. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp lại nhau vào tháng 9 tới tại Ấn Độ ở Hội nghị thượng đỉnh G20.

Điểm lại các cuộc gặp để thấy Mỹ buộc phải duy trì một quan hệ sòng phẳng với Ấn Độ dẫu rằng quan hệ Mỹ - Ấn rất phức tạp. Hai bên có sự khác biệt sâu sắc về xung đột Nga- Ukraine và Mỹ vẫn can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Ấn Độ như một cái cớ hòng “bẻ lái” các chính sách với quốc gia Nam Á này. Chính ôngBiden năm ngoái đã công khai gọi phản ứng của Ấn Độ đối với xung đột ở Ukraine là “yếu kém”. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên Hợp quốc (LHQ) lên án Nga và từ chối tham gia liên minh toàn cầu chống lại Nga. Kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine, Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đã tăng mạnh việc mua dầu của Nga.

Rõ ràng, Ấn Độ có quan điểm và đối sách của riêng mình, không bị tác động bởi nước ngoài, kể cả sức ép từ Mỹ. Không phải tự nhiên mà người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - John Kirby cho rằng mối quan hệ Mỹ - Ấn là “một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”. Việc Ấn Độ mua dầu của Nga hay bỏ phiếu trắng với các nghị quyết của LHQ để chống Nga chưa hẳn đã là điều khiến Mỹ thất vọng nhất. Dù là thành viên của nhóm Bộ Tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ), nhóm đối thoại an ninh được cho là để hợp tác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng lại là thành viên của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Thế nhưng, Tổng thống Mỹ - Biden đón tiếp ông Modi khi ông muốn thắt chặt mối quan hệ của mình với nhà lãnh đạo của quốc gia 1,4 tỷ dân mà chính quyền Mỹ coi là lực lượng then chốt ở châu Á trong nhiều thập niên tới.

Sâu xa hơn, kể từ thời ông Donald Trump còn là chủ Nhà Trắng, chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn được ông Biden tiếp nối và đẩy mạnh. Với chính sách này, tất nhiên Ấn Độ sẽ được Mỹ “để mắt” tới nhiều hơn. Thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ năm 2022 đã tăng lên mức kỷ lục 191 tỷ USD. Đầu năm nay, hai nước đã đưa ra sáng kiến về “Công nghệ Quan trọng và Mới nổi”, mở đường cho sự hợp tác trong sản xuất chất bán dẫn, phát triển trí tuệ nhân tạovà nới lỏng các quy tắc kiểm soát xuất khẩu có thể cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ chuyển giao công nghệ quan trọng. Tập đoàn General Electric (GE) có trụ sở tại Mỹ hiện đang chờ sự chấp thuận của chính quyền Mỹ để sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ.

Quan hệ sòng phẳng Mỹ - Ấn một mặt giúp Ấn Độ khẳng định được con đường phát triển độc lập của mình trong khi mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ngày 22-6, Tổng thống Mỹ - Biden và Thủ tướng Ấn Độ - Modi đã ra Tuyên bố chung gồm 58 điểm, trong đó đề cập đến quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Tuyên bố có đoạn: “Quan hệ Đối tác Chiến lược và Toàn cầu Toàn diện Mỹ - Ấn Độ đã ở một tầm cao mới về niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như được làm phong phú thêm bởi mối quan hệ anh em và tình hữu nghị nồng ấm, vốn đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước chúng ta với nhau. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ đa dạng và mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy nguyện vọng của nhân dân hai nước về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc chung về dân chủ, tự do và pháp quyền”.

Khỏi phải điểm lại những thoả thuận, hợp đồng kinh tế được thông qua trong chuyến thăm xứ cờ hoa của ông Modi. Việc ông được đón tiếp với nghi lễ ngoại giao cao nhất cùng những lời tuyên bố không thể tốt đẹp hơn về quan hệ song phương đã cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ - một quốc gia thời gian qua đã chứng minh đường lối phát triển độc lập của mình trong các vấn đề ngoại giao, kinh tế phức tạp nhưng Mỹ vẫn phải duy trì quan hệ, thậm chí ở mức cao hơn. Đó mới là sòng phẳng.

Thanh Huyền