Số trẻ em trai luôn nhiều hơn em gái.
Theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình vừa công bố thì Sơn La là tỉnh có tỷ lệ trẻ trai chênh lệch so với trẻ gái cao nhất cả nước với tỷ lệ 118/100.

Anh Lò Văn Sơn - bản Chậu, phường Chiềng Cơi, T.P Sơn La, dù đã ngấp nghé 40, nhưng chưa có con trai. Mà theo quan niệm người Thái: đàn ông, con trai mới là trụ cột gia đình, nếu không có con trai thì nhà đó coi như “lép vế”. Gia đình lại có mình anh là con trai nên ngày nào ông bà cũng thúc giục vợ chồng anh “phải cố”. Trước sức ép của bố mẹ, anh em họ hàng, anh Sơn và vợ buộc lòng phải cố đẻ thêm một đứa nữa. Thật may mắn, lần này là một cậu con trai. Với anh, giờ đây có nhắm mắt xuôi tay cũng không còn phải tủi hổ với tổ tông, họ mạc.

Chính từ suy nghĩ của những người Thái như bố mẹ anh Sơn, mà nhiều năm qua, tỉ lệ giới tính khi sinh tại các địa phương trong tỉnh Sơn La bị chênh lệch nghiêm trọng. Năm 2017, huyện Bắc Yên là 134 trẻ nam/100 trẻ nữ; Mai Sơn 126/100, Mường La 117/100…

Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh Sơn La, trong 5 năm tới, Sơn La sẽ có khoảng 5 đến 7 nghìn thanh niên “ế vợ”; trong 10 đến 15 năm tiếp theo, con số “ế vợ” sẽ lên đến hàng chục nghìn người…

Những năm qua, những người làm công tác dân số ở tỉnh Sơn La đã nỗ lực hết mình, song việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh vẫn chỉ luẩn quẩn trong vòng nghịch lý “can thiệp sâu, giảm chậm”. Tại nhiều địa phương, mặc dù cán bộ dân số tuyên truyền vận động nhiều lần, nhiều cặp vợ chồng vẫn quyết định sinh bằng được bé trai, chấp nhận mọi hình thức xử phạt.

Mất cân bằng giới tính sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Vì vậy, rất cần sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng và toàn xã hội.

Tuyết Lan