Số 94 liệt sĩ được xác định trao kết quả cho thân nhân lần này nằm trong hơn 1.800 mẫu sinh phẩm của các liệt sĩ đã được lấy mẫu, cùng hơn 1.000 mẫu sinh phẩm của thân nhân các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự hy sinh tại Mặt trận 31, thuộc khu vực Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Đây là lần thứ 3 Bộ LĐTBXH trao kết quả ADN xác định danh tính liệt sĩ trong hơn 1.800 liệt sĩ đã lấy mẫu. Điều đó có nghĩa, niềm vui sẽ tiếp tục đến với thân nhân liệt sĩ trong thời gian tới.
Trải qua các cuộc chiến tranh, dân tộc ta có hơn 1 triệu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đa số hài cốt liệt sĩ được quy tập vào hơn 3.000 nghĩa trang trên toàn quốc, nhưng trong số đó vẫn có hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác lập được danh tính. Ngoài ra cả nước vẫn còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập.
Đưa các liệt sĩ nơi tập kết, về với quê hương, nhất là xác định rõ danh tính là nguyện vọng tha thiết của người thân, gia đình liệt sĩ, cũng là nguyện vọng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Và công tác giám định gen được coi là cơ sở khoa học căn bản trong việc xác định danh tính cho liệt sĩ. Đến nay, đa số các gia đình, thân nhân liệt sĩ tin tưởng vào phương pháp tìm kiếm, xác định ADN. Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được Chính phủ phê duyệt, năm 2015, xác định thực chứng cho khoảng 3.000 hài cốt, khớp nối thông tin cho 10.000 liệt sĩ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ quy tập cho 5.000 mộ liệt sĩ và xét nghiệm cho 80.000 hài cốt liệt sĩ. Mặc dù những cố gắng lớn lao của chính quyền và cả cộng đồng nhưng vẫn còn đó nhiều bất cập khi liên quan đến các thủ tục hành chính, giấy tờ, mã số…
Thời gian càng trôi đi thì những bất cập, khó khăn trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, xác định ADN càng khó khăn. Sau nhiều năm qua đi, thậm chí 50-60 năm, nhiều xương cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn, lại càng khó khăn cho việc xác định. Đó là chưa nói đến việc không ít liệt sĩ không còn thân nhân, nhất là các mẹ, bố liệt sĩ… Việc đẩy nhanh tiến độ phân tích ADN là việc phải làm khẩn trương. Nhà nước không yêu cầu thân nhân liệt sĩ bỏ kinh phí, nhưng không ít người sẵn sàng cùng hợp tác, bỏ thêm tiền để thực hiện công tác này. Ngay với các liệt sĩ chưa được quy tập, thất lạc thì việc có sẵn các gen, ADN của người thân là việc cần làm. Trong điều kiện, phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay, nếu khi phát hiện một mộ liệt sĩ, ngay lập tức xác định ADN thì người ta có thể xác định ngay danh tính của liệt sĩ…
Sớm trả lại tên cho các liệt sĩ là yêu cầu, trách nhiệm của những người còn sống. Việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm ADN là một trong những việc cần phải làm khẩn trương, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc ta.
Bài và ảnh: Kim Loan