CCB chống Pháp - Đặng Bá Xuân đang chia sẻ với PV. Báo CCB Việt Nam.

Được thành lập ngày 3-4-1965, đến nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, ở hầu hết các tỉnh trong toàn quốc.

Sau một thời gian an dưỡng, điều trị, được các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ chăm sóc, đại đa số thương binh, bệnh binh ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động… đã được đơn vị làm công tác bàn giao, chuyển về an dưỡng ở gia đình để hòa nhập với cộng đồng dân cư, tiện chăm sóc của người thân, gia đình, quê hương.

Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 95 thương binh, bệnh binh nặng hạng 1/4 (thương tật từ 81 đến 100%). Trong đó còn một đồng chí bị thương trong thời kỳ chống Pháp; 59 đồng chí bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 35 đồng chí bị thương trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước. Đặc biệt hơn là có 5 thương binh nặng là nữ. Tuổi bình quân của các thương binh ở đây là 70 tuổi, người cao tuổi nhất là 94 tuổi.

Đặc thù của thương binh nặng ở Trung tâm là có đến 90% là bị thương vào cột sống, gây liệt 1/2 người phía dưới bị teo cơ, di chuyển sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc, có 10% vết thương tổng hợp như; mất 2 tay, chân, mắt hỏng... Họ là những thương binh đặc biệt nên đòi hỏi đội ngũ bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ nơi đây phải dành tình cảm, công sức đặc biệt thì mới hoàn thành nhiệm vụ tốt được.

Trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành cho biết: Đơn vị có 42 biên chế, bao gồm cả bác sĩ, ý tá, nhân viên phục vụ và lãnh đạo nhưng phải chăm sóc tới 95 thương binh nặng nên công việc cũng rất khó khăn, theo quy định thì phải có 50 người nhưng do đặc thù công việc nên tuyển dụng cũng khó lắm.

Ông Hương chia sẻ: Các thương binh, bệnh binh nặng ở Trung tâm nhiều bác do di chứng vết thương cột sống dẫn đến 1/2 người phía dưới bị teo cơ, mất cảm giác (không tự chủ được trong sinh hoạt đại tiện, tiểu tiện). Nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: Tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan B, C; viêm đường tiết niệu, loát lưng, ụ ngồi, cá biệt có đồng chí thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật hoặc lấy vợ mấy chục năm không có khả năng sinh con. Nhiều người còn mảnh đạn viên bi nằm trong cột sống, trong đầu… mỗi khi trái nắng trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ gây ra những cơn đau nhức nhối ở hốc mắt, mỏm cụt, bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo ra những cơn co giật gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ. Cá biệt có một thương binh phải nằm bệnh viện tuyến trên (Viện Quân y 103) chạy thận nhân tạo 17 năm không ra viện, hoặc có những trường hợp vì vết thương nặng, vết loét to, sức lực yếu không thể xuống xe ra ngoài được phải nằm quanh năm suốt tháng trên giường và cần sự chăm sóc 24/24 giờ trong ngày. Một số do thương tật quá nặng, suy tư, mặc cảm với cuộc sống nên chấp nhận chịu đựng vết thương không lấy vợ (chồng).

Gặp bác Đặng Bá Xuân (sinh năm 1930), thương binh hạng 1/4, CCB thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn sống duy nhất ở Trung tâm. Bác Xuân tâm sự: “Những năm tháng cuối đời được về sống cùng với các anh em thương binh, bệnh binh, nhất là các bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc mình và anh, chị em thương binh như là người thận ruột thịt”.

Coi Trung tâm như là ngôi nhà thứ hai của mình, bác Trần Thị Hồng (sinh năm 1945), thương binh hạng 1/4 loại A (tỷ lệ thương tật 92% có vết thương đặc biệt nặng) cho biết: “Tháng 3-1965, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, bị thương cụt hai cánh tay, tháng 4-1970, tôi được chuyển về an dưỡng, điều trị tại đây cho đến nay”.

Cũng như bác Xuân, bác Hồng, rất nhiều thương binh, bệnh binh - những người lính một thời trận mạc tâm sự luôn coi Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành là ngôi nhà thứ hai và Thuận Thành là quê hương thứ hai để gắn bó, gửi gắm những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, giảm đi phần nào những đau đớn của vết thương, giúp cho các thương binh, bệnh binh xoa dịu những vết thương do chiến tranh.

Thanh Nghĩa