Đông đảo CCB trong cả nước đang đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo vừa công bố lấy ý kiến nhân dân. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật này đã bổ sung thêm nhiều nội dung nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.

         Bộ Nội vụ cho biết: Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13-11-2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số quy định của Luật này đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, như: Cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp...

Đông đảo CCB và nhân dân cả nước đều hoan nghênh việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu của Bộ Chính trị.  

Những nội dung mới được đưa vào dự thảo như công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… cũng được đông đảo CCB và nhân dân tán đồng. Riêng về cơ chế sàng lọc, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công vụ lại chưa có những quy định chặt chẽ.

Thực tế hiện nay, vẫn còn không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo tư duy cầm chừng, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc nhưng chưa có cơ chế hiệu quả để sàng lọc và thay thế kịp thời. Điều này dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhất là việc giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, thủ tục miễn, giảm thuế… Những việc tưởng chừng như “nho nhỏ” đó lại là nguyên nhân gây mất niềm tin của người dân vào bộ máy hành chính, lãng phí ngân sách nhà nước trong việc duy trì những nhân sự không phục vụ tốt nhân dân.

Để khắc phục những bất cập này, trong Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)  cần phải có những tiêu chí cụ thể để sàng lọc, chấm điểm công chức. Sàng lọc công chức không đơn thuần là tinh giản biên chế mà còn là quá trình nâng cao chất lượng bộ máy, đảm bảo phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ. Muốn sàng lọc đúng người, cần phải dựa vào hệ thống đánh giá cán bộ, công chức khách quan, khoa học và đáng tin cậy.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia có nền hành chính tiên tiến, công chức của họ không chỉ được đào tạo bài bản mà còn được yêu cầu phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những quyết định hành chính sai lầm. Các quốc gia này thường áp dụng cơ chế đánh giá công chức dựa trên phản hồi từ bốn nguồn: Cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới và người dân.  

Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, việc đánh giá công chức vẫn còn mang nặng cảm tính. Chế tài xử lý công chức yếu kém vẫn còn nhẹ, thiếu tính răn đe. Câu chuyện "rút kinh nghiệm sâu sắc", "kiểm điểm nội bộ" vẫn phổ biến, khiến nhiều trường hợp sai phạm chỉ bị điều chuyển hoặc giữ nguyên vị trí.

Để sàng lọc công chức hiệu quả, theo ý kiến của nhiều CCB, chúng ta cần đổi mới toàn diện hệ thống đánh giá dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách thực chất và khách quan hơn. Điểm chấm của người dân, tất nhiên không quyết định tất cả, nhưng phải chiếm một tỷ kệ quan trọng trong kết quả đánh giá.

Vấn đề quan trọng là việc tổng hợp ý kiến để xử lý cán bộ, công chức qua "chấm điểm. Sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng hàng đầu để đánh giá phẩm chất đạo đức và năng lực công tác của cán bộ, công chức. Đó cũng là một căn cứ rất cần thiết để cán bộ, công chức nhìn nhận lại mình, qua đó sửa chữa, phấn đấu tốt hơn. Đừng để người dân không hài lòng từ những chuyện nhỏ mà dẫn đến mất lòng tin vào bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị, xa hơn là giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

An Chi