Với 86,14% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 20 Chương, 170 Điều. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường, phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Bảo vệ môi trường cần gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Luật cũng quy định bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường. Theo quy định của Luật, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; phân vùng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng; quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông; quản lý chất thải; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường.

PV