Sau loạt bài đăng trên Báo CCB Việt Nam phản ánh về việc đền bù, GPMB đường Nguyễn Khuyến không đúng qui định của pháp luật. Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội có văn bản giao Thanh tra Thành phố xác minh làm rõ. Trên cơ sỏ kết luận, đề xuất của thanh tra, UBND thành phố đã giao Ban chỉ đạo GPMB thành phố và UBND quận Hà Đông thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa, mở rộng đường Nguyễn Khuyến. Trong đó nhấn mạnh: “Lưu ý chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất để đảm bảo quyền, lợi ích của công dân theo đúng pháp luật”.

Qui định chưa rõ…hay vận dụng sai?

Trên cơ sở tờ trình của Ban chỉ đạo GPMB thành, vừa qua, UBND quận Hà Đông đã ra một loạt quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường cho 27 hộ dân đường Nguyễn Khuyến, nhưng cách vận dụng các điều khoản theo qui định để áp cho người dân chưa thật “tâm phục, khẩu phục”. Cụ thể, “đánh đồng”: Hỗ trợ về đất bằng 50% giá đất ở cho 27 hộ dân, vận dụng theo Khoản a, Điều 21, Quyết định số 18/2008/QĐ – UBND ngày 29-9-2008 của UBND thành phố Hà Nội; giá đất áp dụng khi điều chỉnh bổ sung theo Quyết định số 2404/2007/QĐ – UBND của UBND tỉnh Hà Tây(cũ).

Theo cách vận dụng trên là áp dụng với hộ dân được nhà nước giao đất nông nghiệp rồi họ tự chuyển đổi xây nhà trên diện tích được giao đó. Cách vận dụng của cán bộ Ban chỉ đạo GPMB thành phố và UBND quận Hà Đông là không phù hợp với qui định và thực tế, điều kiện của người dân nơi đây. Bởi, 15 hộ dân đường Nguyễn Khuyến có đơn (trong tổng số 27 hộ) không được Nhà nước giao đất nông nghiệp trên phần diện tích họ đang xây dựng. Theo những hộ dân cho biết: “ Nguồn gốc đất của họ đang sử dụng là do khai hoang phục hóa từ những năm 1960, hầu hết đều qua mua bán chuyển nhượng”. Chiểu theo Khoản 5, Điều 7, Quyết định 18/2008/QĐ - UBND của UBND thành phố qui định: Hộ gia, đình cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ qui định tại khoản 1,2,3 điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp và không thuộc một trong các trường hợp tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất đã có một trong các hành vi vi phạm điểm a,b,c,d,đ điều này thì người bị Nhà nước thu hồi đất có một trong các điều kiện trên thì được bồi thường.

Tuy nhiên, không hiểu sao Ban chỉ đạo GPMB tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ hỗ trợ 50 % giá đất ở cho các hộ dân? Mâu thuẫn cách giải quyết?

Ngày 13-8-2010, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố có tờ trình số 585/TTr – BCĐ gửi UBND Thành phố Hà Nội, đề cập: Ngày 19-2-2008, UBND phường Văn Quán có phiếu xác nhận loại đất, tài sản gắn liền với đất: “…đất sử dụng trước ngày 15-10-1993, nhà đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không có hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai, về xây dựng công trình”. Xác minh của Thanh tra thành phố, hồ sơ kiểm tra cho thấy chỉ có 2/7 hộ có đơn và biên bản xin thuê mượn đất của xã và 7 hộ có biên bản kiểm tra việc sử dụng đất đai – xây dựng cơ bản trong các năm 1989, 1992, 2001 nhưng không có hồ sơ cưỡng chế, phá dỡ công trình xây dựng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, thu hồi đất…và các hộ vẫn sử dụng đất, cư trú đến khi GPMB. Tuy nhiên, không hiểu sao Ban chỉ đạo GPMB cùng Liên ngành đề xuất, giải quyết lại có sự “mâu thuẫn” về từ ngữ. Tại phần trên của tờ trình nêu “… 7 hộ có biên bản kiểm tra đất đai – xây dựng…” nhưng phần đề xuất của Liên ngành lại đề cập, khẳng định: 7 hộ “…đều có biên bản xử lý vi phạm đất đai – xây dựng”? và kết luận ngắn gọn, do “chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm”?!.

Mặt khác, tại tờ trình còn nêu rõ ý kiến của Thanh tra Bộ TNMT và Thanh tra Tổng Cục quản lý đất đai Bộ TNMT: “Đề nghị UBND quận Hà Đông tiếp tục cung cấp cho Thanh tra Thành phố hồ sơ, tài liệu(nếu còn) để làm rõ.... Nếu không còn hồ sơ, tài liệu hoặc hồ sơ, tài liệu không chứng minh được 7 hộ vẫn cố tình vi phạm và thực tế các hộ vẫn sử dụng nhà đất, cư trú đến khi GPMB thì 7 hộ này không thuộc trường hợp qui định tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 84/2007/NĐ – CP của Chính phủ; khoản 5, điều 7 của Quyết định số 18/2008/QĐ – UBND của UBND Thành phố Hà Nội và 15 hộ có đơn đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ về đất qui định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 84”.

Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là chính từ cách giải quyết và đề xuất của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố đã thật “công tâm” chưa? Và, liệu với cách đề xuất này thực sự có đúng với tinh thần chỉ đạo của phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khi nhấn mạnh rằng, cần: “Lưu ý chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất để đảm bảo quyền, lợi ích của công dân theo đúng pháp luật”… Có lẽ, qua sự việc trên quyền lợi của người dân tiếp tục bị xâm hại sau một loạt cách giải quyết của cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội./.

Doanh Chính