Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực; quá trình triển khai luật đã phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nổi lên là, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ làm nhiều quy định của Luật Du lịch không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện. Một số nội dung quy định trong Luật Du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế…
Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, Luật Du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở TƯ và chính quyền các cấp ở địa phương.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều so với Luật Du lịch hiện hành là sự sửa đổi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Ban soạn thảo giải thích “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác" là chưa thỏa đáng. Khái niệm du lịch phải mở ra với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp gắn với văn hóa và tính xã hội hóa, hội nhập rất cao, khái niệm ngành du lịch phải rất rộng. Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong du lịch; tập trung tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” về du lịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính du lịch cho du khách... Có thể gắn phát triển du lịch với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bởi tiềm năng du lịch ở nhiều vùng là rất lớn, nếu khai thác tốt thì vừa phát triển được du lịch địa phương, vừa kết hợp xóa đói giảm nghèo bền vững.
Cùng với thảo luận dự án Luật Du lịch (sửa đổi) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Vấn đề phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là nội dung được các thành viên tập trung thảo luận. Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý về tín ngưỡng.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng việc phân công này là chưa thật phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức chứ chưa chú trọng quản lý nhà nước về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng tình với dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý về tôn giáo, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần có quan điểm rõ hơn về sự phân công này bởi hoạt động tôn giáo không thể tách rời tín ngưỡng.
Liên quan đến các quy định về thủ tục thành lập các cơ sở đào tạo của các cơ sở tôn giáo, đa số ý kiến cho rằng luật cần quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục thành lập các cơ sở đào tạo này để tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc thẩm định mục đích thành lập, từ đó xem xét việc quyết định cơ sở đào tạo đó có thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)