Đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tặng quà chúc mừng đôi trẻ Thanh Xuân-Quốc Ánh trong ngày cưới.
Tuy nhiên, cũng chính ở bản Rào Tre, một khó khăn đang đẩy người Chứt đến diệt chủng, là tình trạng lấy nhau cận huyết thống. Đau lòng đến mức con của chú, di; anh em ruột lấy nhau, đẻ ra những đứa con què quặt, ốm yếu. Điển hình như một gia đình “cậu lấy cháu” là anh Hồ Hải và chị Hồ Tường, sinh được 3 con, thì 2 đứa đã chết. Đứa sống sót còi cọc, suốt ngày đau ốm. Còn Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm là con của hai anh em ruột lấy nhau, cũng sinh được 3 đứa con đều phát triển không bình thường. Riêng đứa nhỏ nhất là Hồ Thị Trang, 5 tuổi, sinh ra không có bàn chân…

Lấy nhau cận huyết thống có nguyên nhân của nhận thức, nhưng chính là tập tục sinh hoạt lạc hâu, khác biệt với các dân tộc khác và hầu như không giao du ra bên ngoài, lại ít lao động do nhà cửa, lúa gạo lâu nay vẫn được Nhà nước cung cấp đầy đủ.

Thấy được tình trạng trên, từ đầu năm 2000, BĐBP Hà Tĩnh tăng cường các đội Vân động quần chúng về “ba cùng” nhằm nâng cao dân trí cho bà con, đưa con em trong bản đến các trường học nội trú, bán trú trên địa bàn và đề xuất với Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội đặc cách nhận hai học sinh của bản là Hồ Viết Kham vào học ngành hội họa và Hồ Thị Đỉnh Xuân học thanh nhạc hệ trung cấp 6 năm. Còn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh thì lập dự án đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường 15 km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi có một số hộ người Chứt và các dân tộc khác sinh sống. Mục đích là tạo điều kiện cho đồng bào Chứt ở bản Rào Tre sang giao lưu…

Không chỉ tạo ra môi trường giao lưu; không chỉ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, mà BĐBP Hà Tĩnh còn trực tiếp làm “ông tơ, bà mối”, mà người “mát tay” phải kể đến Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh), 6 năm lăn lộn, “ba cùng” với đồng bào Chứt. Ông đã mai mối thành công cho cặp vợ chồng Lê Xuân Công, xã Phúc Đồng và Hồ Thanh Mai, bản Rào Tre, xã Hương Liên, cùng huyện Hương Khê, cùng sinh năm 1992 lấy nhau; ngày 10-4-2015 Lễ cưới được tổ chức và nay đã sinh được bé trai hơn 2 tuổi khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tiếp theo là đôi vợ chồng Võ Quốc Anh và Hồ Thị Đỉnh. Sau khi tổ chức lễ cưới, đôi vợ chồng này được BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ làm nhà, cấp đất sản xuất, nên sớm ổn định. Họ cũng đã sinh con trai khỏe mạnh.

Cặp thứ ba, là cô dâu Hồ Thị Thanh Xuân, người Chứt và chú rể người Kinh - Võ Quốc Ánh. Ngay tại lễ cưới của Xuân và Ánh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tặng 30 triệu đồng từ “Đề án bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020” cùng nhiều phần quà ý nghĩa từ Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Đồn BP Bản Giàng, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và chính quyền xã Hương Liên, huyện Hương Khê…

Đây là những tín hiệu vui, hy vọng từ nay đồng bào Chứt sẽ chấm dứt được tình trạng lấy nhau cận huyết thống để bảo tồn nòi giống.

Nguyễn Quốc Khánh