Sáng 14/5, chị Nguyễn Thị Tâm cùng chồng trên chiếc honda đưa con đi qua phà Hậu Giang để đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị bệnh cho bé gái khoảng 5 tuổi đang bị mắc bệnh SXH. Chị Tâm cho biết: “Cháu nóng sốt đã 3 ngày nay. Khi bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Bình Minh nói cháu bị sốt xuất huyết, tôi và ông xã vội vàng xin chuyển viện liền”. Sốt liền mấy ngày và ăn không được làm cho cháu bé mệ mỏi, gương mặt hốc hác. Tình cảnh này xảy ra nhiều đối với những gia đình có con nhỏ ở nông thôn các tỉnh ĐBSCL. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến tại các bệnh viện chuyên khoa tại TP.HCM. Điển hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có ngày tiếp nhận tới 70 ca bệnh… Ngày 19/5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng rõ rệt. Từ đầu tháng 5 tới nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, ngày cao nhất lên tới 70 trường hợp, gấp đôi cùng thời điểm tháng 3 và 4. Nhiều ca bị sốc nặng đang được nằm điều trị cấp cứu. Đa số những bệnh nhi này được chuyển đến từ các tỉnh lân cận. SXH "chạy" khắp nơi Theo bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Cần Thơ, vào thời điểm hiện nay chưa phải vào mùa dịch SXH, tuy nhiên, ở các tỉnh trong vùng số ca mắc SXH tăng cao. Tại TP. Cần Thơ so với cùng kỳ năm trước số ca mắc SXH giảm khoảng 50%. Từ đầu năm đến nay, cả TP. Cần Thơ mới xảy ra 117 ca SXH, không xảy ra trường hợp tử vong do SXH. Đặc biệt, quận Ninh Kiều, quận trung tâm của TP. Cần Thơ lại là nơi có số người mắc SXH cao nhất, chiếm tới 33 trường hợp/117 trường hợp SXH trên địa bàn TP. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP. Cần Thơ, nguyên nhân quận Ninh Kiều có ca mắc SXH có thể do điều kiện vệ sinh môi trường khu vực những con hẻm nội thành và hệ thống thoát nước chưa tốt. Trung tâm đã có kế hoạch ra quân diệt muỗi, lăng quăng phun thuốc các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra SXH phát động nhân dân hưởng ứng cải thiện vệ sinh môi trường. Tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2008 đến tuần đầu tháng 5/2008, đã có 307 trường hợp SXH. Theo bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Đồng Tháp, thì đây là điều bất thường rất đáng lo ngại. “Thông thường bệnh SXH bắt đầu lây lan, bùng phát từ tháng 5 lúc đầu mùa mưa, muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở) nhưng năm nay, bệnh xuất hiện nhiều vào ngay thời điểm khô hạn là trái quy luật. Năm nay, SXH sẽ rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất lớn”, bác sĩ Hận nói. Năm 2007, Đồng Tháp là tỉnh bị dịch SXH hoành hành nặng nhất khu vực ĐBSCL với hơn 12.000 ca bệnh nhập viện, tử vong 9 ca. Năm nay chỉ trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có hơn 300 ca bệnh SXH nhập viện điều trị, nhiều nhất ở các huyện Lấp Vò, Châu Thành… Với những tín hiệu ban đầu về SXH gia tăng nhất là mới đầu mùa mưa, ngành y tế Đồng Tháp đang lo ngại dịch SXH có thể bùng phát vào mùa mưa năm nay. Tại Bến Tre, từ 28/4-4/5, có 37 ca SXH, cộng dồn từ đầu năm 2008 đến nay là 495 ca SXH, là một trong những địa phương có nhiều ca SXH. Ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng Khoa dịch tễ, TTYTDP tỉnh Bến Tre cho biết, SXH đang diễn ra ở mức độ rất đáng lo ngại, trung bình mỗi tuần có hơn 20 ca nhập viện điều trị. Tử vong do SXH giảm nhưng vẫn lo dịch bùng phát Mặc dù theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Trần Ngọc Hữu, số ca SXH từ đầu năm đến nay giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007, nhưng hầu hết sở y tế các tỉnh thành phía Nam đang tích cực chuẩn bị phòng chống dịch. Năm 2007, phía Nam có 9.815 ca với 13 ca tử vong. Còn từ đầu năm 2008 đến tuần đầu của tháng 5/2008, 20 tỉnh thành phía Nam đã có 8.284 ca SXH. Trong đó, cao nhất là TP.HCM với 2.741 ca; Sóc Trăng đứng thứ 2 với 823 ca SXH; Tiền Giang đứng thứ 3 với 726 ca SXH; kế tiếp là Đồng Nai với 500 ca SXH; Bến Tre với 495 ca SXH… số ca tử vong do SXH cộng dồn từ đầu năm đến nay chỉ có 5 trường hợp. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP. Cần Thơ, cách tốt nhất là phát động toàn dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng, cải thiện vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi những nơi ẩm thấp, dễ xảy ra dịch bệnh, có phương án đối phó nếu xảy ra dịch phải tích cực chữa trị kịp thời và dập dịch hiệu quả. Cần Thơ đã ra quân thực hiện chiến dịch phòng chống SXH vào ngày 24 và 25/4, và sẽ tiếp tục chiến dịch tuyên truyền ra quân phòng chống SXH vào ngày 22 và 23/5. Chiến dịch sẽ hiệu quả nếu toàn dân đồng tình tham gia. Chỉ có cách phối hợp và phòng chống toàn diện các tỉnh thành phía Nam mới có thể hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch SXH có thể xảy ra vào mùa mưa 2008. Phương Uyên (TH)