...Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Quân đoàn 2 được lệnh tấn công, Sư đoàn 304 đánh vào căn cứ Nước Trong, là điểm phòng ngự rắn nhất còn lại của địch trên hướng đông nam Sài Gòn. Ròng rã gần 3 ngày đêm giành giật quyết liệt, hai bên đều bị tổn thất lớn, đến 10 giờ sáng ngày 29-4-1975, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ khu vực Nước Trong và ngã ba đường 15, sẵn sàng tiến quân vào Sài Gòn.
Trung đoàn 66 nằm trong đội hình thọc sâu gồm xe tăng, pháo binh, công binh tấn công vào nội thành, với mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập.
Trước sức mạnh như triều dâng, bão cuốn của quân ta, xe tăng 113 chở quân tiếp viện của địch hốt hoảng húc vào nhau và trở thành những đống sắt vụn trước hỏa lực của B40, B41 và pháo bắn thẳng. Tăng cháy, địch bỏ chạy trong nháo nhác, hoảng loạn. Người dân Sài Gòn mở toang cửa số, đứng chật ban công các tòa nhà cao ốc, hồ hởi tung hoa xuống xe quân giải phóng. Đúng 11 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng thọc sâu đã chiếm được dinh Độc Lập, bắt gọn Tổng thống Dương Văn Minh và gần như toàn bộ nội các Sài Gòn.
Tôi chỉ thị cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 nhanh chóng luồn lách qua các chướng ngại, lao thẳng vào cổng Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn. Đài nằm trên dường Nguyễn Bỉnh Khiêm đối diện với Cục An ninh quân đội. Khi quân ta tiến vào Cục An ninh thì không còn một ai, đồ đạc, giấy má, tài liệu ném vương vãi khắp nơi. Tên đại tá Cục trưởng Cục An ninh trong cơn hoảng loạn, dùng súng giảm thanh tự sát chết ngay tại phòng làm việc.
Chiếm giữ xong Đài Phát thanh, tôi giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 bảo vệ nghiệm ngặt, an toàn cho Đài để chuẩn bị cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Mặt khác, nhờ bà con đi tìm các nhân viên kỹ thuật của Đài đang lẩn trốn trở về vị trí làm việc. Hơn 11 giờ, chiếc xe zeep do Trung đoàn phó Nguyễn Xuân Thệ và một số sĩ quan cùng đi áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu dừng lại trước thềm Đài phát thanh. Ông Minh ăn mặc dân sự, quần áo màu sẫm, xuống xe bước vào phòng thu của Đài.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, từ căn phòng lịch sử này vang lên lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam của Tổng thống ngụy cuối cùng: Đại tướng 4 sao Dương Văn Minh.
Vào thời điểm này, cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tổng thống và các cơ quan, công sở ngụy. Những người lính chúng ta trong những bộ quân phục mới toanh, không kể đơn vị lạ, quen ôm chầm lấy nhau mà ôm, mà khóc. Những giọt nước mắt cảm động, vui sướng cứ thế tuôn chảy trên các khuôn mặt còn sạm đen khói súng.
"Cảm nghĩ của tôi trong giờ phút thiêng liêng trọng đại trước chiến thắng vinh quang ấy thật khó tả nổi. Khi chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh và chuẩn bị để ông ta đọc tuyên bố đầu hàng, tôi thầm nhớ lại chặng đường chiến đấu đầy khốc liệt, mất mát, hy sinh của Trung đoàn 66 anh hùng với bao đồng đội đã ngã xuống ".
Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình bồi hồi nhớ lại ngày 16-9-1973, ông vinh dự được cùng anh em đón Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Trị. Tại điểm cao 241 Cam Lộ, khi Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô đứng trên khẩu pháo 175 ly "Vua chiến trường " của Mỹ-ngụy bị ta thu giữ, tay phất cao lá cờ Quyết thắng, hô to: “Hẹn gặp các đồng chí tại TP. Sài Gòn", cán bộ chiến sĩ thật háo hức, song nghĩ vẫn còn xa vời vợi.
"Trong cuộc đời chinh chiến của mình, có biết bao trận đánh đã đi qua, bao mất mát hy sinh đã nếm trải, nhưng được trực tiếp chứng kiến một Tổng thống đối phương mặt cúi gầm buồn bã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì chắc cũng chỉ có một lần mà thôi ". Nói đến đây, nước mắt của ông chợt trào ra. Tôi biết, ông đang nghĩ đến những đồng đội thân thương bao ngày đêm chia ngọt sẽ bùi không còn được về đây chứng kiến những giây phút lịch sử.
Sau ngày nghỉ hưu, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình và gia đình sống tại TP. Hà Tĩnh. Ông tham gia sinh hoạt Hội CCB phường Hà Huy Tập. Mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử 30-4, ông cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, vào Vũng Chùa thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng đội ở các NTLS; ông tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt cả 3 người con đều noi gương bố tiếp bước truyền thống, cống hiến cho Quân đội, cho đất nước.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi