Ngược dòng lịch sử, CCB Trịnh Ngọc Ước hồi tưởng: Ông nhập ngũ tháng 7-1967, sau 2 tháng huấn luyện, được biên chế vào Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu chiến trường Quảng Trị, Đường 9, Khe Sanh, Nam Lào… Quá trình chiến đấu, ông lập công xuất sắc, năm 1972, được phong quân hàm Trung úy, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.
Trước khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 66 đã lập chiến công vang dội nổi tiếng bằng trận đánh “ngập đầu” quân viễn chinh Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng ngay khi chúng vừa đặt chân lên Tây Nguyên. Truyền thống ấy là niềm tự hào, thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn anh hùng lập công xuất sắc. Nhất là giai đoạn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 30-4-1975, tiến vào dinh Thống Nhất bắt toàn bộ nội các. Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, sau khi đánh địch trong hành tiến dọc duyên hải miền Trung, Trung đoàn 66 được lệnh theo hướng Nam. Thời điểm quân ta tiến như vũ bão, cánh cửa thép Xuân Lộc, Long Khánh được mở toang. 19 giờ ngày 21-4-1975, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 8 đánh cầu Bình Tuy, thọc sâu đánh thị xã Hàm Tân. Ngày 22-4-1975, các đơn vị củng cố lực lực lượng, đêm hành quân tới đồn điền cao su ông Quế, thị xã Long Khánh. Sáng 23-4-1975, Trung đoàn 66 nhận lệnh đánh thọc sâu, tiến theo trục đường 15-xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa vào nội đô Sài Gòn.
Trước mắt Sư đoàn phải đối phó với quân địch tại căn cứ Nước Trong-Long Thành, Đồng Nai. Cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi bởi chiến thắng vĩ đại đang ở phía trước, nhưng nhiệm vụ còn nặng nề, đơn vị chưa quen địa hình, gặp khó khăn khi đi trinh sát mục tiêu. Tới ngày 23-4-1975, trinh sát ta bắt được một tên địch, qua khai thác và nắm tình hình và bắt nó dẫn đến căn cứ Nước Trong. Quá trình điều tra nghiên cứu thực địa, căn cứ Nước Trong là Trường sĩ quan tăng thiết giáp, sân bay biệt kích Long Thành, quân địch bố trí liên hoàn vững chắc, xung quanh hào sâu, mìn cài dày đặc; mũi tiến công Trung đoàn 9 không lên được, trận chiến đấu diễn ra ác liệt, các đợt tiến công của ta bị đẩy ra, thương vong khá lớn. Trước tình hình cấp bách, sư đoàn lệnh cho xe tăng, hạ nòng pháo bắn thẳng vào mục tiêu quan trọng, như lô cốt-ụ súng hỏa lực; pháo binh ta bắn trùm lên quân địch, làm giảm khả năng quan sát của địch, tạo điều kiện cho bộ binh nổ súng tấn công tiêu diệt gọn quân địch chiều 27-4-1975
Ngày 28-4-1875, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu đi đến cầu Sông Buông thì bị địch phá cầu. Thời gian khẩn cấp, Sư đoàn trưởng 304 Nguyễn Ấn hạ lệnh vừa đánh địch, vừa sửa cầu. Gần 2 giờ sau, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu, bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào Sài Gòn. CCB Trịnh Ngọc Ước nhớ lại thời khắc vào dinh Độc Lập: trưa 30-4-1975, đội hình Trung đoàn nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn, đến ngã tư Hàng Xanh, chúng tôi ngập ngừng chưa biết tiến đường nào để vào dinh Độc Lập sớm nhất, thì gặp một ông lão 70 tuổi, tay cầm một bó cờ đỏ sao vàng xin lên xe chỉ đường. Gần cổng dinh, tôi nhìn thấy xe tăng 390 húc đổ cánh cửa sắt, chiếc xe zeep chở Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chạy thẳng vào sân dinh. Xe tải quân sự cũng chở chúng tôi theo sát sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc đưa Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng, ông ta còn đề nghị được đi xe của mình, nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ không đồng ý, buộc Dương Văn Minh phải lên xe Zeep do lái xe Đào Ngọc Dung điều khiển. Theo sự phân công của chỉ huy, tôi và Trung úy Phùng Bá Đam - cán bộ tổ chức cơ quan Chính trị Trung đoàn cùng đứng bên cạnh Dương Văn Minh, trong lúc ông ta đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để ghi âm. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ Tổng thống cuối cùng của chính quyền cũ. Ông ta luôn cúi đầu, chỉ ngẩng lên khi có ai hỏi điều gì đó. Lúc Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, một niềm vui hạnh phúc kỳ diệu trào dâng. Tôi đâu ngờ rằng mình vinh dự chứng kiến thời khắc lịch sử ấy. Bức ảnh ghi lại sự kiện lịch sử ấy sau này đồng chí Phạm Xuân Thệ gửi vào và tôi đã lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá suốt mấy chục năm qua.

Trở về cuộc sống đời thường
CCB Trịnh Ngọc Ước năm nay 73 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành làm ở Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai, rồi chuyển sang làm Phó chánh văn phòng UBND tỉnh. Năm 2005, ông được nghỉ hưu. Với cương vị Trưởng BLL truyền thống Sư đoàn 304 tỉnh Đồng Nai, ông dành nhiều thời gian đi tìm hài cốt đồng đội và vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ số CCB Sư đoàn 304 có hoàn cảnh khó khăn; ông động viên anh em cùng đơn vị, xác nhận nhiều trường hợp liệt sĩ Sư đoàn 304 hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiều đợt truy quét FULRÔ sau ngày giải phóng. Thu thập nhiều thông tin, gặp lại nhân chứng xác minh, đối chiếu thực địa, sẵn sàng đáp ứng tâm nguyện của các gia đình thân nhân liệt sĩ có con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện 3 ngôi mộ của 3 đồng chí hy sinh quê ở ngoài Bắc đang tạm mai táng ở nghĩa trang Giáo xứ Tân Vinh (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa), anh em CCB Sư đoàn 304 mong mỏi đưa 3 đồng chí đó sớm được về quê nhà.
Tâm nguyện CCB Trịnh Ngọc Ước cũng dễ hiểu bởi những tình cảm của những người lính đã từng tham gia chiến đấu chung một chiến hào, chia lửa, nay các anh nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, trong tâm khảm ông lúc nào cũng mong đưa được đồng đội về quê mẹ, việc ấy ông làm bằng cả trái tim và nghĩa cử cao đẹp, để sưởi ấm hương hồn đồng đội làm vơi đi nỗi đau mất mát của thân nhân các gia đình liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc!
Công Trình(ghi theo lời kể của CCB Trịnh Ngọc Ước)