Khi đặt chân vào vùng đất Quảng Bình nắng gió, Nguyễn Anh Mậu đã viết: "Síu em yêu! Qua bảy đêm không ngủ và vượt qua mọi khó khăn, anh đã đặt chân tới vùng đất này. Nơi đây, họ sẽ giao quân để tất cả các đoàn xe quay về Hà Nội, đó cũng là thời gian rảnh rỗi để anh tranh thủ viết thư cho em" (Thư ngày 9-5-1965).
Tiếp đó là những dòng thư mong nhớ người yêu đến cháy bỏng: “Síu ơi, anh bấm đốt ngón tay hàng ngày mong đợi tin em. Anh mong cho chiến tranh mau kết thúc để chúng ta được sống gần nhau...”. Bao lần tiễn cánh thư đi là bấy nhiêu lần anh hồi hộp ngóng chờ, để mỗi lần nghe đồng đội báo tin có thư người yêu, hạnh phúc lại như vỡ òa trong tim. Có lần, Nguyễn Anh Mậu đã quyết tâm chạy bộ qua quãng đường hơn 9 cây số với không ít gian nan để nhận thư người yêu. “Chẳng thể đếm được bao nhiêu khó khăn, gian khổ trên chặng đường cuốc bộ bằng hai bàn chân của anh. Hai bàn chân ấy đã từng vượt núi, băng rừng, qua đèo cao, suối sâu, và giờ đây dưới làn mưa bom, pháo sáng của địch, anh lại vượt qua tất cả để được nhận thư em...” (Thư ngày 3-8-1965).
Lo người yêu ở nhà buồn, Nguyễn Anh Mậu không quên căn dặn: “Em vẫn phải đi chơi đây đó, xem phim ảnh hoặc giải trí cho tâm hồn thoải mái. Đừng trầm ngâm nghĩ suy và buồn phiền nhiều. Nếu không thanh thản, sinh ốm đau thì lại khổ - vì em đang phải sống một mình trong lúc xa anh”.
Sau hai năm xa cách, tình yêu của họ cũng đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị vào ngày 27-6-1967, trong lễ cưới, "món quà" anh dành tặng vợ là 5 điều thề nguyện: "Suốt đời giữ trọn tình yêu thương vợ chồng; thường xuyên quý mến, đùm bọc lẫn nhau; phải vững vàng khi gian nan trở ngại để cùng nhau vun trồng hạnh phúc; phải thương yêu quý mến, nuôi nấng, dạy dỗ các con tiến bộ; không giận dỗi nhau, không để ý những nét vụn vặt".
Bên nhau sau mấy ngày ngắn ngủi, Nguyễn Anh Mậu lại lên đường nhận nhiệm vụ. Dù ý thức rất rõ sự nghiệt ngã của chiến tranh, dù biết mình đang bước trên làn ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, song anh vẫn không ngừng viết thư về động viên vợ: “Vì nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, nên anh và em phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để giành lại cuộc đời hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có anh và em...”. Thư khác, anh lại tiếp thêm niềm tin cho chị: “Síu ạ! Vì chiến tranh, chúng mình có thiệt thòi nhiều mặt, nhất là về tình cảm. Đó là điều tất nhiên, vì trong giai đoạn lịch sử này, đối với mỗi người lính, được tham gia giải phóng miền Nam là thời cơ hiếm có…”.
Chị một lòng chờ đợi, còn anh miệt mài chiến đấu vì lý tưởng, vì quyết tâm chiến thắng và giấc mơ đoàn tụ. Nhưng ước muốn ấy đã vĩnh viễn nằm lại cùng anh nơi chiến trường máu lửa. Một năm sau ngày cưới, khi vợ chồng còn chưa kịp bén hơi, Nguyễn Anh Mậu đã anh dũng hy sinh. Ngày nhận tin chồng hy sinh, chị tưởng mình không gượng dậy nổi. Dù không thể gửi thư cho chồng, nhưng chị vẫn viết lên trang giấy những dòng tâm sự xót xa: “Vĩnh biệt anh, từ đây em đã không còn được nhận thư anh nữa. Suốt đời này em luôn yêu và chỉ yêu một mình anh thôi”…
Khi chiến tranh lùi xa, chị Hoàng Thị Síu vẫn sống cô quạnh một mình bên những ký ức về chồng và tiếp tục cảm nhận tình yêu thủy chung, son sắt của người bạn đời thông qua 136 bức thư chan chứa yêu thương. Giờ đây, khi tuổi đã già và sức khỏe dần giảm sút, trong chị vẫn đau đáu một nỗi niềm kiếm tìm hài cốt chồng. Tháng 10-2004, chị Síu đã gửi tặng 136 bức thư của chồng cho Bảo tàng Quân khu 4 với mong mỏi sớm nhận được thông tin về phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu.
THẢO HƯƠNG