Nguyễn Đức Thành (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô)

Vượt khó nơi đầu sóng
Cô Tô là một huyện đảo xa đất liền, thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trước đây, cuộc sống của nhân dân Cô Tô gặp muôn vàn khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt… Trong suốt 20 năm, từ năm 1980 đến 2000, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều đợt di dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh ra xây dựng kinh tế mới ở Cô Tô. Nhưng do điều kiện sản xuất, phục vụ sinh hoạt quá khó khăn, nên đã có rất nhiều hộ dân bỏ đảo trở về quê cũ ở đất liền. Trước đây, người dân Cô Tô thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu nước ngọt, có những thời điểm các hộ dân phải chắt từng giọt nước phục vụ sinh hoạt. Giống như các đảo khác, thiếu điện cũng là khó khăn lớn của Cô Tô, những năm trước, cả huyện chỉ có 2 cụm máy phát điện khu vực trung tâm và một số cụm máy phát nhỏ ở các khu dân cư, mỗi ngày hoạt động khoảng 4-6 tiếng đồng hồ với giá thành điện từ 10.000-30.000 đồng/kwh. Phương tiện chủ yếu để kết nối Cô Tô với đất liền là thuyền buồm, sau này là thuyền gỗ gắn máy, thực hiện hành trình vượt 50km đường biển phải mất cả ngày, rồi còn từ 3-4 giờ và thường xuyên ngừng hoạt động mỗi khi thời tiết thay đổi.
Sau 20 năm thành lập huyện, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó khăn của cán bộ, nhân dân huyện đảo, cùng với sự quan tâm đặc biệt của T.Ư và tỉnh, quốc phòng - an ninh trên vùng biển đảo Cô Tô luôn được đảm bảo, kinh tế-xã hội của huyện phát triển nhanh chóng. Trong những năm gần đây, Cô Tô đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, bê tông hóa 100% các tuyến đường xuyên đảo, đường liên thôn, ngõ xóm; xây dựng các cầu cảng, nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền; nâng cấp, xây mới hơn chục hồ nước trên đảo, trong đó có một số hồ cung cấp nước sạch sinh hoạt; thi công trên 30km đường ống dẫn nước sạch đến các khu dân cư; đã có 95% hộ dân trên các đảo của Cô Tô được sử dụng nước máy. Hiện nay, mỗi ngày đã có 4 tàu cao tốc hoạt động trên tuyến Vân Đồn-Cô Tô, rút ngắn khoảng cách giữa Cô Tô với đất liền chỉ còn từ 60-90 phút. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức độ cao, từ 12-15%/năm. Ngành kinh tế mũi nhọn của huyện là thủy sản luôn vượt kế hoạch, sản lượng khai thác trung bình hàng năm đều đạt 10.000-15.000 tấn. Dịch vụ, du lịch đang từng bước có đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, năm 2013, huyện đón gần 60.000 lượt khách du lịch tăng 1,7 lần so với năm 2012, gấp 6 lần so với năm 2011 và gấp 17 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 13,95% năm 2008 còn 1,32% năm 2012 và còn 0,6% vào cuối năm 2013 (cả huyện còn 8 hộ nghèo). Cô Tô trở thành huyện đầu tiên có 100% trẻ em mầm non được hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường (từ đầu năm 2011); 100% hộ dân được trang bị đầu thu tuyền hình kỹ thuật số VTC (từ năm 2011); huyện đầu tiên phủ sóng internet công cộng không dây miễn phí (từ năm 2012). Cuối năm 2013, Cô Tô cũng đã hoàn thành 3 mục tiêu lớn: Về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ bản không còn hộ nghèo.

Bứt phá vươn lên từ cơ hội
Đưa lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô là khởi đầu cho một cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện đảo. Sự kiện này càng khẳng định rõ nét hơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Quảng Ninh đối với Cô Tô, quần đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Trong lúc kinh tế đất nước và tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư, nguồn ngân sách tỉnh, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng đã được “thần tốc” triển khai với một quyết tâm rất cao, đạt kỷ lục cả về thời gian, tiến độ và chất lượng, để chỉ không đến 1 năm đã chính thức hoàn thành, để Cô Tô được hòa dòng điện lưới quốc gia như hòa vào mạch máu của trái tim Tổ quốc. Có thể khẳng định, chưa có cuộc vận động nào được nhân dân tỉnh Quảng Ninh hưởng ứng đông đảo, trách nhiệm như cuộc vận động ủng hộ kinh phí đưa điện lưới ra đảo Cô Tô; chưa có dự án lớn nào thi công đạt tiến độ nhanh như dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô. Không thể kể hết những giá trị to lớn của dự án này đem lại, nhưng chỉ tính riêng giá trị đầu tư thì mỗi người dân Cô Tô từ người già đến trẻ nhỏ đã được thụ hưởng khoảng 200 triệu đồng từ dự án này. Có điện lưới quốc gia, Cô Tô sẽ bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ chinh phục các đỉnh cao mới và thực hiện các ước mơ mới.

Cô Tô vươn ra biển lớn
Năm 2014, huyện Cô Tô xác định trọng tâm là năm “Vươn ra biển lớn” với 3 mục tiêu: Đưa Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ vào hoạt động; hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng và di dân ra đảo Trần phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch chiến lược để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và từng bước thực hiện ước mơ về xây dựng đô thị sinh thái biển. Năm 2014 sẽ là năm tập trung đột phá cho sự phát triển ngành hải sản, ngành kinh tế nền tảng của huyện với việc kêu gọi đầu tư, đưa Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên địa bàn huyện vào hoạt động để từng bước trở thành một “thương cảng mới” .
Bên cạnh đó, Cô Tô sẽ đẩy mạnh việc chuyển dịch nền kinh tế của huyện sang hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch. Với khát vọng và ý chí vươn lên của cán bộ và nhân dân huyện đảo, chắc chắn giai đoạn tới, Cô Tô sẽ trở thành điểm đến mới của hàng triệu khách du lịch, sẽ thực sự trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả vùng Bắc vịnh Bắc Bộ, sẽ bừng sáng như một “hòn ngọc giữa biển khơi” và trở thành một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NĐT