Đây là một tin mừng đối với người nông dân khi đối với họ nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là rào cản sự năng động và tư duy sáng tạo. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn quá manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thu được chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người lao động.
Nhà nước đã có không ít các chính sách hỗ trợ nông dân nhưng lợi ích cuối cùng vẫn chưa đến tay nông dân. Tình trạng nông dân bỏ ruộng là phản ứng rõ nhất về chính sách đối với nông dân chưa phù hợp, chưa đem lại lợi ích cho người nông dân như tiềm năng đang có. Việc gói tín dụng được đề xuất hướng vào các mục tiêu phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và tín dụng phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản là sát với tình hình sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gói tín dụng này trên thực tế chắc chắn sẽ không dễ... Một thực tế hiển hiện là gói hỗ trợ tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đã và đang thực hiện cho thấy, người thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu nhà ở không thể "với" tới được. Việc cho vay gói hỗ trợ này đã gần như bị "tắc" hoặc chỉ cho vay được ở những đối tượng mà không phải mục tiêu ban đầu nó muốn hướng tới. Vì thế, với gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn thực hiện còn khó khăn hơn gấp bội bởi ai sẽ là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn. Làm sao nông dân có đủ lòng tin vào ngân hàng để chấp nhận cho họ vay vốn. Chưa kể, hàng nghìn thủ tục mà nông dân khó có thể đáp ứng nếu muốn vay vốn ngân hàng... Ngoài ra, người nông dân cần đồng vốn nhưng để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp bền vững thì cần có thời gian… trung hạn hay dài hạn nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hay ít nhất là đủ trọn một vòng đời của sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, nếu không có các hướng dẫn cũng như những cách làm thật cụ thể, thiết thực thì chắc rằng, gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn sẽ vẫn khó mà đến được với nông dân. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra điều kiện rõ ràng cho vay đối tượng nào, thời hạn vay đủ dài, đặc biệt lãi suất phải thấp hơn mặt bằng chung.
Cũng cần phải nói, để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì không chỉ 1 xã, 1 hộ dân hay 1 dự án là xong mà phải làm đồng bộ, có được một ý tưởng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Hay với đất đai hiện nay, cần mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào. Ngay sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL cũng cần phải có chính sách tín dụng tốt để thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay, để nông dân không phải làm tới 3 vụ lúa mà có thể làm 1 lúa, 1 tôm, 1 màu vẫn có thể giàu có... Tín dụng của Nhà nước cũng nên tập trung hỗ trợ việc nghiên cứu giống tốt cung ứng cho nông dân, hay hỗ trợ các ứng dụng tốt về giống của chính nông dân vào sản xuất... Nếu triển khai theo hướng này đồng tiền tín dụng mới đem lại hiệu quả và làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp.
Dương Sơn