Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều CCB đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra năng suất và hiệu quả cao hơn. Cùng với thâm canh cây lúa giống mới, đã luân canh trồng cây dưa chuột, cà chua, bí, ớt… xuất khẩu, được triển khai rộng rãi ở Hội CCB các xã: Hợp Thịnh, Châu Minh, Hương Lâm. Hoặc xây dựng mô hình lồng ghép: cây lúa, trồng cần, nuôi cá của các CCB xã Hoàng Lương; trồng cây bưởi diễn ở xã Lương Phong. Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh của CCB ở thôn Xuân Thành (xã Châu Minh); cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình VAC… như CCB: Lê Văn Tiến (Hương Lâm), Ngô Văn Dần (Hoàng Vân), Hoàng Văn Hòa (Hùng Sơn)…
Đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh hàng hóa dịch vụ, như mô hình sản xuất gạch ngói của CCB Nguyễn Văn Long (Đồng Tân), Nguyễn Văn Quý (Mai Trung); mô hình vệ sinh môi trường Chung Long (Danh Thắng); sản xuất đồ mộc dân dụng của CCB Nguyễn Thanh Hải (Đoan Bái), thành lập Hợp tác xã Thiên Long để nuôi ong lấy mật của CCB Nguyễn Văn Vịnh (Đức Thắng); kinh doanh hàng hóa dịch vụ của CCB: Nguyễn Văn Minh (Mai Trung), Vũ Hồng Quý (Quang Minh)... Đặc biệt là cơ sở khám chữa bệnh của hội viên Trần Đức Cử (thị trấn Thắng), lương y Ngô Duy Bảy (xã Đại Thành) là thầy thuốc của những bệnh nhân nghèo, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”.
Tham gia Cuộc vận động: “Chung sức xây dựng nông thôn mới", Hội CCB huyện Hiệp Hòa phát động phong trào “Bao xi CCB”, kết quả có tới 98% số hội viên tham gia. Trong 5 năm (2010-2014), các hội viên đã hiến trên 77.600m2 đất; ủng hộ hơn 5,13 tỷ đồng và 31.506 ngày công. Tiêu biểu là các hội viên: Ngô Văn Tỉu (Bắc Lý) ủng hộ gần 100 triệu đồng, La Văn Trọng (Lương Phong) với 60 triệu đồng... Hàng trăm hội viên ủng hộ từ 2-10 triệu đồng cùng nhân dân xây dựng các công trình giao thông; cứng hóa kênh mương nội đồng; hoặc xây dựng nhà văn hóa... góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới trên địa bàn.
5 năm qua, hội viên CCB ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện lên tới trên 1.200 triệu đồng. Điển hình là các CCB Tạ Văn Đốc (Mai Trung); Ngô Văn Tỉu (Bắc Lý), Vũ Đình Long - Chủ nhiệm HTX vệ sinh môi trường Chung Long, Trần Đắc Cử - Giám đốc bệnh viện Hùng Cường… Những việc làm nặng nghĩa, nặng tình này xuất phát từ cái” tâm” của anh em CCB, tô đậm thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Huyện hội có 98 mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, 78 cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ, 20 HTX, 19 doanh nghiệp và 47 tổ HTX. Với những mô hình sản xuất kinh doanh trên đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn hội viên và con em hội viên cũng như nhân dân. Những “Dũng sĩ” kinh tế góp phần giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo từ 6% (592 hộ) năm 2010 xuống còn 1,14% (150 hộ) năm 2014; đặc biệt số hộ CCB khá và giàu ngày một tăng. Qua đó khẳng định rằng những thành tích của CCB đã cùng nhân dân hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời nâng cao vị thế của Hội trên trận tuyến mới.
Bài và ảnh: Hoàng Lân