Theo trang tin Bloomberg,hai bên chưa đạt được kết quả cuối cùng, nhưng quá trình đàm phán cho thấy sự chuyển dịch của Malaysia để giữ thế cân bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đàm phán lần này có thêm động lực mới sau vụ việc các tàu hải quân Trung Quốc hồi đầu năm nay tiến vào khu vực cực nam Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.
Các nguồn tin ngoại giao cho hay: Trọng tâm của đàm phán lần này là đảo Labuan-ngoài khơi bờ biển của bang Sabah trên đảo Borneo, Malaysia. Đảo Labuan từng là một trung tâm tài chính nhờ hưởng các quy định ưu đãi thuế riêng biệt, đồng thời nằm sát với các công trình quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông hơn bất cứ địa điểm nào trong khu vực mà Hoa Kỳ đang sử dụng để triển khai các chuyến bay do thám.
Hoa Kỳ đang hỗ trợ Malaysia nâng cao năng lực kỹ thuật về giám sát và bảo vệ lãnh thổ tại Biển Đông cùng những khu vực xung quanh. Giới phân tích đánh giá có rất ít khả năng Washington sẽ xây một căn cứ quân sự ở Malaysia, do vậy việc sử dụng lãnh thổ Malaysia vào mục đích quân sự là điểm then chốt.
Malaysia hiện vẫn cố cân bằng mối quan hệ giữa nước này với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời lặng lẽ mở rộng hợp tác với các nước láng giềng Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, mặc dù Kuala Lumpur hiếm khi nêu công khai Trung Quốc là nguyên nhân khiến nước này tiến hành các động thái quyết liệt ở Biển Đông.
Đức Bình