Đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt có liên quan mật thiết với phát triển dân số và an sinh xã hội. Mối quan hệ giữa đất và con người luôn theo xu thế nghịch chiều, bởi con người thì luôn phát triển theo chiều tăng dần mà đất thì ngày một cạn kiệt. Đã không phát triển lại bị con người sử dụng chuyển đổi mục đích quá nhanh. Sự chuyển đổi quá nhanh cũng có điều hợp lý theo nhu cầu phát triển xã hội. Nhưng cũng còn điều bất hợp lý khi con người không biết cân bằng để rồi ảnh hưởng tới an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Những năm vừa qua, nhu cầu phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, giao thông đường sá và cả nhu cầu về thổ cư, nhà ở đang có biểu hiện lãng phí đất, thiếu công bằng trong phân bổ đất đai. Những chính sách về đất như chính sách cải cách ruộng đất sau Cách mạng Tháng Tám, chính sách phân chia đất bình quân theo đầu người trong thời kỳ đổi mới, xóa bỏ bao cấp đã kích thích nông nghiệp phát triển, biểu hiện công bằng xã hội.

Tuy vậy trong chủ trương phát triển công nghiệp và đô thị vừa qua, trong khi thu hồi đất đã có những biểu hiện thiếu chặt chẽ, dẫn đến thiếu sự công bằng trong sử dụng đất. Bên cạnh các khu công nghiệp, đô thị ven các trục giao thông là nhà ở, dân cư theo chủ trương dãn dân, kể cả các hộ kinh doanh dịch vụ cũng là lẽ đương nhiên. Thế là đương nhiên lại xuất hiện cả điều bất cập đi theo là chủ trương đấu giá đất. Trong đấu giá đất lại không tiêu chuẩn hóa về tối thiểu và tối đa quyền sử dụng đất theo bình quân đầu người. Trong xét đơn xin đấu giá đất lại lỏng lẻo bỏ qua việc xem xét cân bằng đất trên khẩu. Thế là người có tiền thì trúng giá càng ngày càng nhiều đất lên, người ít tiền thua giá hoặc không tham gia đấu giá phải ở lại phía sau mặc dù nhu cầu về đất ở đang cao.

Trong bàn luận này không bàn tới việc mua bán, chuyển nhượng vì mua bán chuyển nhượng là hợp đồng sau ăn chia của nhà nước, nhưng cũng phải quản lý để tránh lợi dụng. Để đảm bảo công bằng và an sinh xã hội cũng cần xem xét cả việc mua đất không thể cứ có tiền là mua, để rồi dẫn đến việc mua rẻ bán đắt mà sinh ra hiện tượng ông chủ và người làm thuê trái nghĩa với nền kinh tế thị trường có định hướng.

Nên chăng: Một lần nữa cần quy định tối thiểu và tối đa về quyền lợi trong tài nguyên đất để đúng với chủ trương của Đảng là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Trước khi tổ chức đấu giá phải xem xét về mức tối thiểu, tối đa của người xin đấu giá. Có như vậy mới có sự công bằng để công dân có quyền hưởng lợi về tài nguyên đất, loại tài nguyên đặc biệt liên quan tới con người, đồng thời qua đó giám sát được sự đầu cơ đất đai…

Nguyễn Tiến Lộc