Ngày 3-5-1967, vào lúc 16 giờ 10 phút, Tiểu đoàn 42 tại trận địa Thượng Thụy kịp thời phát hiện địch, hiệp đồng chỉ huy và thao tác chiến đấu tốt, bằng hai quả tên lửa đã tiêu diệt được một chiếc máy bay trinh sát RF-101. Chiến công xuất sắc đầu tiên này thực sự tạo niềm tin và động lực, quyết tâm và ý chí cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn vươn lên đánh thắng địch, bảo vệ Hà Nội trong phong trào thi đua “Tháng 5 Đỏ” lập công dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Lịch sử Trung đoàn sẽ còn mãi ghi những trang vàng chói lọi. Trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ Hà Nội, các đơn vị của Đoàn Quang Trung chiến đấu ngoan cường, đánh 118 trận, bắn rơi 24 máy bay các loại, cùng các đơn vị phòng không khác bảo vệ an toàn Thủ đô Hà Nội. Năm 1969, Trung đoàn đánh 16 trận, bắn hạ 7 máy bay không người lái bay thấp. Riêng Tiểu đoàn 56 với kíp chiến đấu Nguyễn Văn Tích-Trịnh Minh-Phạm Đức Hùng-Bế Cẩm-Lưu Văn Hùng-Trần Minh Hùng bằng 4 quả tên lửa bắn rơi tại chỗ 4 máy bay trinh sát bay thấp 147J và 147S, lập kỷ lục mỗi tên lửa diệt một máy bay! Cũng kíp chiến đấu này, ngày 28-8-1969 tại trận địa Vân La bằng 1 tên lửa bắn rơi tại chỗ 1 máy bay không người lái 147S. Lúc này Bác Hồ đang ốm nặng nhưng nghe tin đã tặng lẵng hoa của Người cho Trung đoàn 263. Rạng sáng 21-11-1970, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác cao, Tiểu đoàn 43 tại trận địa Chèm và Tiểu đoàn 44 tại trận địa Yên Nghĩa, Hà Đông đã kịp thời phát hiện mục tiêu, với tinh thần dám đánh, dám chịu trách nhiệm phóng 4 quả tên lửa, diệt 2 máy bay F4 hộ tống cho máy bay lên thẳng đổ bộ vào trại giam, góp phần quan trọng đập tan âm mưu tập kích đường không giải cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa chúc mừng. Đêm 21-11-1972 với sự hiệp đồng chiến đấu nhanh, gọn, dứt khoát, Tiểu đoàn 43 và 44 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên mà Binh chủng Tên lửa bắn rơi, được phía Mỹ công nhận. Chiến công rực rỡ này đem lại một bài học quý báu về kinh nghiệm đánh B-52, tạo nguồn sức mạnh và củng cố quyết tâm để quân và dân ta lập nên bản anh hùng ca chiến thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.
Ngay sau chiến thắng đêm 14-1-1973 bắn rơi 2 chiếc B52 cuối cùng tại Nghệ An, Trung đoàn nhận nhiệm vụ vào bảo vệ vùng trời Quảng Trị giải phóng, trong đó có thị xã Đông Hà được ví như “Thủ đô” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trung đoàn 263 trở thành Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất của Quân Giải phóng miền Nam.
Tháng 2-1975, Trung đoàn cơ động chiến đấu gần 2.000km qua Nam Lào, Plây Ku, Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Campuchia và ngày 27-4-1975 tập kết ở Đồng Xoài, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc hành quân của Trung đoàn làm nhiều người liên tưởng đến cuộc hành quân thần tốc hơn 200 năm trước của người Anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ mà Trung đoàn được vinh dự mang tên, tiến về Thăng Long đánh tan tành quân Thanh xâm lược. Mọi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đều nuối tiếc vì lúc này đối phương không sử dụng máy bay để tác chiến, nên đơn vị không còn cơ hội phóng “Rồng lửa” tiêu diệt kẻ thù trong trận chiến cuối cùng! “Bù lại”, đoàn xe tên lửa của Trung đoàn được tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 tại thành phố mang tên Bác vừa được giải phóng!
Tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 263 đã cơ động chiến đấu trên khắp các chiến trường suốt chiều dài đất nước, đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay các loại trong đó có 9 chiếc B-52. Trung đoàn và Tiểu đoàn 43 cùng 2 liệt sĩ Nguyễn Khởi Động và Vũ Đình Can được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày nay, mỗi độ tháng 5 về, các CCB Trung đoàn lại bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ, tự hào về chặng đường những người lính Đoàn Quang Trung anh hùng đã trải qua từ “Tháng 5 Đỏ” đến “rồng lửa” giữa Sài Gòn giải phóng.
Phạm Đức Hùng - CCB Trung đoàn 263, Quân chủng PK-KQ