Mùa hè năm 1970, tôi là Chính ủy Binh trạm 42 - Binh trạm đảm trách chủ yếu đường B45 từ ki-lô-mét 10 đến Xưởng Giấy (khoảng 300km, tây nam Thừa Thiên). Binh trạm trưởng là anh Hoàng Xuân Điền. Đầu tháng 6-1970 trên các trục đường, những quãng thấp đã chớm hình thành "túi nước" bởi những trận mưa chiều liên tục trút xuống đông và tây Trường Sơn. Phần lớn xe cộ được lệnh tập kết theo kế hoạch mùa mưa. Đột xuất một sáng, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên gọi điện lệnh cho Binh trạm tôi dùng 20 xe khẩn cấp chở hàng giao cho Quân khu 5. Ban Chỉ huy binh trạm hội ý chớp nhoáng. Anh Điền hỏi ý kiến anh em. Tôi cho rằng không thể vận chuyển bằng xe tải lúc này. Vì "túi nước" tại A Lưới khá sâu và dài chừng 5km, rất dễ tắc ở đó. Nếu địch phát hiện, tập trung đánh chặn thì xe cháy, hàng cháy là không tránh khỏi.

Để thực hiện nhiệm vụ trên giao, tôi đề xuất: Vì yêu cầu quá cấp bách, nếu Tư lệnh cho phép, chúng ta sẽ tăng cường lực lượng công binh hộ tống cho xe con chuyển hàng theo đường vẫn thường sử dụng cho loại xe này, kết hợp vận tải gùi thồ chi viện cho Quân khu 5.

Nghe tôi nói vậy, anh Điền bảo tôi cầm máy báo cáo trực tiếp với Tư lệnh. Nghe tôi báo cáo xong, anh Nguyên yêu cầu chúng tôi nghiên cứu lại, bàn bạc cho thật kỹ. Sau một hồi trao đi đổi lại, chiều hôm đó, tôi gọi điện báo cáo anh Nguyên cho chúng tôi thực hiện giải pháp như đã đề xuất. Dường như chỉ chờ có vậy, anh Nguyên ngắt lời tôi, giọng rất gay gắt: Sao anh cãi lại tôi? Cứ làm theo lệnh!

Tôi giải thích thêm: Giải pháp chúng tôi đề nghị là căn cứ tình hình thực tế mà Công binh vừa báo cáo. Không thể sử dụng xe tải vượt "túi nước" A Lưới. Bài học thử nghiệm vận tải cơ giới mùa mưa 1968 không thành buộc chúng tôi phải tính tới khả năng ách tắc ở "túi nước" A Lưới, kẻ địch sẽ phát hiện, tập trung đánh gây tổn thất cho ta...

Anh Nguyên không thay đổi quyết định và chúng tôi buộc phải chấp hành. Kết cục sự việc diễn ra đúng như chúng tôi dự đoán, cả đoàn xe không vượt nổi "túi nước" A Lưới; 12 xe bị đánh cháy, 8 chiếc bị hỏng nặng. May mà hàng không cháy, được chúng tôi tổ chức gùi thồ giao cho đơn vị, tuy có chậm so với yêu cầu.

Chuyện "túi nước" A Lưới của Binh trạm 42 được nêu ở Hội nghị tổng kết hoạt động của tuyến năm đó. Tư lệnh nghiêm khắc tự nhận khuyết điểm là không nắm chắc tình hình và không nghiên cứu kỹ đề xuất của cấp dưới. Anh Nguyên còn dùng một ngạn ngữ rất đặc trưng của miền Trung là: "Dùi đánh đục, đục đánh khăng" - Do yêu cầu chiến trường cấp thiết, trên thúc dữ quá, buộc anh cũng phải thúc chúng tôi.

Sau Hội nghị, anh Mai Trung - Bí thư của anh Nguyên cho tôi biết: Nhiều người ở cơ quan Bộ Tư lệnh biết chuyện tôi khăng khăng không cho 20 xe tải đi qua "túi nước" A Lưới và cho rằng ông Sở lại giống ông đồ Nghệ gàn, dám cự lại Tư lệnh (ý muốn nói tôi giống anh Nguyễn Văn Lạn, quê Nghệ An, đã phản đối quyết định thử nghiệm vận tải cơ giới trong mùa mưa năm 1967).

Chuyện “túi nước" A Lưới vào tháng 6-1970, một lần nữa giúp chúng tôi thấm thía một thực tiễn đã được đúc kết từ trước: Thời tiết nghiệt ngã ở Trường Sơn, đặc biệt là mưa lũ ở Trường Sơn cũng là một "kẻ thù" vô cùng nguy hiểm đối với hoạt động giao thông vận tải. Không nắm được đặc thù thời tiết Trường Sơn sẽ không thấy được cái đa dạng, cái đặc thù của hoạt động vận chuyển chi viện trên tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu trong kháng chiến chống Mỹ.

Thiếu tướng Võ Sở kể - DUY TƯỜNG ghi