Đương nhiên mạng xã hội ngày nay là một trong những “kênh” thông tin quan trọng của các nhà báo, nếu như không muốn nói là không thể thiếu. Những nhà báo giỏi, chuyên nghiệp đều phải sử dụng mạng xã hội để vừa thu thập thêm tài liệu, vừa kiểm định thông tin cho các bài báo của mình trước khi chuyển về toà soạn.

Nhưng đáng tiếc lại đã xuất hiện không ít những người làm báo, hoặc mang danh nhà báo sử dụng trang facebook cá nhân đăng tải những nội dung do chính mình viết trái ngược với nội dung đăng trên  báo. Họ được gọi là những nhà báo “hai mặt” mang động cơ cá nhân, thậm chí bịa đặt, xúc phạm uy tín tổ chức, cá nhân, vừa vi phạm Luật Báo chí, vừa làm mất danh dự của người làm báo và ảnh hưởng xấu đến cơ quan truyền thông dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thậm chí, có không ít nhà báo chuyển hướng tác nghiệp, xem Facebook mới là diễn đàn chính của mình (!). Điển hình như Phóng viên N.Đ.T - công tác tại Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, ngày 10-6-2021 viết facebook trên trang cá nhân tập hợp đồng nghiệp đấu tranh, công kích Công an tỉnh Hà Tĩnh, khi cơ quan tố tụng tỉnh này khởi tố vụ án đối với Nguyễn Văn Thoan - trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là cộng tác viên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, về tội cưỡng đoạt tài sản của một chủ doanh nghiệp.

Còn nhà báo L.Q.K, mặc dù có thâm niên trong nghề, là Trưởng đại diện của một tờ báo ở T.Ư mà viết sai sự thật về một buổi gặp mặt Tất niên, xúc phạm uy tín của một số cá nhân, trong đó, có lãnh đạo đương nhiệm của T.P Cần Thơ.  Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông T.P Cần Thơ phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo này, về tội “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân” theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ.

Cá biệt có những nhóm nhà báo phát hiện ra sai phạm của địa phương nọ, doanh nghiệp kia, thay vì viết bài phản ánh trên báo, họ sử dụng mạng xã hội để “rung cây dọa khỉ” - một hình thức tống tiền trá hình. Nếu tống tiền không được, họ cấu kết với nhau “đánh hội đồng” gây hoang mang, mất lòng tin trong dư luận.

Phổ biến nhất là tình trạng nhà báo lợi dụng ảnh hưởng uy tín ít nhiều của bản thân; nơi công tác để đăng lại các bài báo, kèm dòng trạng thái, bình luận theo hướng phiến diện, mỉa mai, tiêu cực trước những vấn đề còn tồn tại của xã hội, hoặc những khó khăn vướng mắc của các cấp, ngành trong quản lý, điều hành, với động cơ “câu viu” để mình trở thành “người nổi tiếng”, hoặc là chỉ để giải tỏa  những bức xúc của bản thân, nhưng vô hình trung tiếp tay cho các thế lực phản động, phần tử bất mãn xuyên tạc chế độ, chống phá nhà nước trên mạng xã hội. Đáng tiếc có nhà báo còn cảm thấy “hãnh diện” vì Facebook của mình “được quan tâm” (!).

Nhà báo “hai mặt” chỉ là cá biệt ẩn khuất trong đội ngũ những người làm báo chân chính. Nhưng những việc làm phi đạo đức của họ lại làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của nghề báo.

Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức báo chí, ngày 25-12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, được xem như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của báo chí thời đại kỹ thuật số, là sự bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.

Quy tắc quy định rõ người làm báo phải tuyệt đối không được có những hành vi như: “Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác”; “Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”; “Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”; “Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ xúy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc”.

Đây là cơ sở quan trọng để lãnh đạo các cơ quan báo chí xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Tuy nhiên, để tiệt trừ tận gốc những người làm báo “hai mặt” vẫn phải đặc biệt coi trọng bồi dưỡng, đào tạo “đức, tài” - nhất là đạo đức của người làm báo, ngay từ khâu thi tuyển phóng viên và phải được bồi dưỡng đào tạo, đào tạo lại trong thực tiễn liên tục. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải coi công việc trau dồi đạo đức, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm báo cho người làm báo như cơm ăn, nước uống hằng ngày;

Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động của phóng viên, tránh tình trạng khoán trắng công việc, hay “giao chỉ tiêu làm kinh tế” cho phóng viên mà thiếu điều kiện thực hiện.

Phạm Nguyễn