Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, vắc-xin Covid-19 trở thành vấn đề chính trị của toàn thế giới và mỗi quốc gia. Ngay cả ở Mỹ, siêu cường số 1 thế giới thì vận mệnh của các chính trị gia đôi khi cũng được đặt cược vào vắc-xin Covid-19. Ông Trump - cựu Tổng thống Mỹ đã từng phàn nàn rằng, nếu các hãng dược của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trước kỳ bầu cử Tổng thống thì nhiều cử tri Mỹ đã có quan điểm khác về nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Điểm lại vấn đề này để thấy rằng, việc Việt Nam tự sản xuất được vắc-xin Covid-19 là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với công tác bảo đảm an ninh y tế. Trước mắt thì điều này giúp người dân củng cố niềm tin vào công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Lâu dài thì việc tự chủ sản xuất vắc-xin sẽ biến những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về an ninh con người thành hiện thực. Hiện nay, vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Đến thời điểm này, Học viện Quân y và Viện Paster T.P Hồ Chí Minh cùng các đơn vị phối hợp đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho 1.000 người tình nguyện trong số 13.000 mẫu thử nghiệm của giai đoạn 3. Theo lộ trình dự kiến khoảng cuối quý III, đầu quý IV-2021, chúng tôi sẽ có đánh giá giữa kỳ kết quả tiêm thử nghiệm của 1.000 người đầu tiên (42 ngày sau khi tiêm mũi 1) và báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia phê duyệt. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn vắc-xin hiếm thì chúng tôi có thể trình Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc-xin có điều kiện để tiêm cho cộng đồng. Trong khi đó, việc thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 vẫn tiếp tục được triển khai theo kế hoạch (tiêm và theo dõi cho 13.000 người tình nguyện; 1.000 người giai đoạn 3A vẫn tiếp tục theo dõi sau 42 ngày) dù vắc-xin đã được cấp phép”.
Tuy nhiên, mới đây, đại diện Nanogen cho rằng đơn vị gặp nhiều khó khăn với cơ chế "xin - cho" trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép qua các giai đoạn của vắc-xin Nano Covax. Điển hình như hồi tháng 4-2021, khi hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 2, Nanogen xin cho thực hiện giai đoạn 3 nhưng Bộ Y tế không đồng ý và phải chờ đợi đến ngày 10-6 mới bắt đầu. "Đầu tư sản xuất, thử nghiệm một loại vắc-xin mang tầm quốc tế tốn kém lắm, trong khi cơ chế chưa rõ ràng, Bộ Y tế còn có lúng túng; chỉ cấp phép khi thiếu vắc-xin, còn đủ vắc-xin thì không cấp phép, điều đó không hợp lý" - đại diện Nanogen cho biết như vậy. Đại diện công ty này cũng khẳng định: kiến nghị cấp phép khẩn cấp của công ty "không nóng vội", xuất phát từ cơ sở khoa học là đánh giá từ Học viện Quân y và Viện Pasteur T.P Hồ Chí Minh, hai đơn vị độc lập được Bộ Y tế chỉ định trực tiếp thử nghiệm. Đặc biệt, các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vắc-xin khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí có phần cao hơn, trong khi giá bán "rẻ nhất thế giới" (120.000 đồng/liều).
Trong khi đó, một vị đại diện Bộ Y tế khi trả lời báo chí lại cho rằng: Nanogen đã “nóng vội” khi xin cấp phép khẩn cấp. Vị này cho rằng: "Ai cũng biết cần vắc-xin gấp, Chính phủ và Bộ Y tế cũng rất khuyến khích sản xuất vắc-xin trong nước nhưng về mặt khoa học, bất kỳ một loại vắc-xin nào trên thế giới đều phải tuân thủ nguyên tắc đó. Không ai dám "nhảy cóc" trên sinh mạng người dân và với vai trò của Hội đồng Đạo đức, chúng tôi phải phản biện, phải đặt tính mạng người dân lên trên hết". Lý do vị này đưa ra, nghe có vẻ hợp lý và vì dân. Nhưng vị này quên rằng, Theo Luật dược, thông thường vắc-xin thử nghiệm xong giai đoạn 3 và thành công mới xem xét cấp phép, nhưng trong trường hợp khẩn cấp (cụ thể là trong đại dịch), Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét khi nghiên cứu đang ở giữa kỳ của giai đoạn 3 và có kết quả tốt". Hơn nữa, chính các loại vắc-xin Covid-19 nhập ngoại mà chúng ta đang sử dụng cũng được nhập theo quy trình khẩn cấp. Các nước như Ấn Độ, Nga, Trung Quốc cũng đã áp dụng quy trình khẩn cấp, những thông tin ban đầu là căn cứ dữ liệu khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, cơ quan chức năng nước bạn đã cấp phép khẩn cấp và sau đó tiếp tục cho thử nghiệm giai đoạn 3 và theo dõi.
Mới đây nhất, ngày 26-6-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Công ty Nanogen. Thủ tướng nhấn mạnh: Việc sản xuất vắc-xin phải tuân thủ đúng quy trình của thế giới và Việt Nam vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Việc nghiên cứu, sản xuất cần chặt chẽ, an toàn, có tính khoa học, đặc biệt là hiệu quả và chi phí chấp nhận được. "Tinh thần của chúng ta phải đẩy nhanh hơn các quy trình. Thay vì đi từng bước, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này chúng ta phải chạy. Công ty đã sẵn sàng, chủ động, tự túc kinh phí, các Bộ, ngành phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan tài chính, thủ tục liên quan".
Những chỉ đạo của Thủ tướng, rõ ràng đã đi vào lòng người. Và ngay như cả chúng ta đã nhập đủ vắc-xin Covid-19, thì việc tự sản xuất được vắc-xin để “người Việt dùng vắc-xin Việt” vẫn là vấn đề chiến lược, cần được nhanh chóng triển khai.
Hà Thanh