1-Trong bài " Chuyện kì diệu về bức tượng Bác Hồ" của tác giả Bảo Minh Châu, đăng trên Báo Quân đội nhân dân số 17378, ngày 4-9-2009 có chi tiết: Cùng đi với Bác Hồ sang Pháp ngày 31-5-1946 "còn có phái đoàn của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn sang dự Hội nghị Pháp-Việt tổ chức tại Phông-ten-nơ-blô".

Viết như vậy là chưa thật chính xác. Theo cuốn "Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000, các trang 77,89 thì hồi đó đồng chí Phạm Văn Đồng vừa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ nhất, ngày 2-3-1946 bầu làm Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội, chứ không phải là Thủ tướng như tác giả viết (năm 1955, đồng chí mới giữ trọng trách Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Đáng nhẽ ra, phái đoàn Chính phủ nướcViệt Nam dân chủ cộng hòa đi đàm phán với Chính phủ Pháp do Nguyễn Tường Tam, Phó chủ tịch Chính phủ làm trưởng đoàn, Phạm Văn Đồng làm Phó trưởng đoàn. Song đến ngày 31-5-1946, trước khi lên đường, Nguyễn Tường Tam đã không có mặt. Vì vậy đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn đi Pháp.

2- Báo Nhân dân số 19.577, ngày 1-4-2009, đăng bài"Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - tấm gương người cộng sản Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng -Liêm" của tác giả Đ.M có nhắc đến các chức vụ quan trọng mà đồng chí đã đảm nhiệm, trong đó có chức Trưởng ban tài chính - kinh tế Trung ương và chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chúng tôi đã tìm đọc "Tiểu sử tóm tắt của Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Nguyễn Lương Bằng", đăng trên Báo Nhân Dân số 5641, ngày 25-9-1969 và một tài liệu tin cậy khác thì đều thấy ghi rõ là đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã giữ các chức vụ như Tổng thanh tra của Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương của Đảng…, mà không thấy ghi hai chức vụ nói trên. Chắc chắn là người chấp bút bài báo đã viết nhầm. Theo cuốn "Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960" nói trên thì Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của nước ta trong Chính phủ liên hiệp lâm thời (từ 1-1-1946) là Phạm Văn Đồng. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chính phủ liên hiệp kháng chiến (từ ngày 2-3-1946) là Lê Văn Hiến.

3-Trên Báo Phụ nữ Việt Nam số 99 (3208), ngày 19-8-2009, đăng bài "Áo dài trắng đi cướp chính quyền" của tác giả Quang Hoàn, có câu: "Bà (tức bà Ngô Minh Tâm, nhân vật chính của bài báo -SĐ) và bà Phú đã đến tận nhà cụ Dương Quảng Hàm, thuyết phục được cả con gái cụ Hàm là bà Thoan đi theo cách mạng".

Giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm (1898-1946), nguyên Hiệu trưởng trường Bưởi (nay là trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội) có mấy người con gái đi theo cách mạng, không ai có tên là Thoan. Chắc chắn là tác giả đã viết nhầm tên Thoa thành Thoan. Bà Dương Thị Thoa, tức giáo sư triết học Lê Thi, nguyên viện trưởng Viện triết học, năm nay 85 tuổi, đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945 ở Hà Nội. Bà đã được vinh dự cùng bà Đàm Thị Loan (vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái) kéo lá cờ đỏ sao vàng lên cao trong ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.

4-Trên tạp chí Thơ số 11-2009, trong bài "Thơ tặng nhà thơ Tố Hữu", nhà văn C.T.L cho rằng vào khoảng tháng 6-1988, đồng chí Tố Hữu vừa thôi Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ còn là Ủy viên T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Tôi đoán tác giả nhớ nhầm. Sự thực là, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (15 đến 18-12-1986), Tố Hữu thôi không tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Bộ Chính trị. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987-1992), đồng chí cũng không đảm nhận trọng trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII nữa (Theo cuốn "Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2006), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2006 và cuốn "Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa X", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002).

Dẫn ra một số trường hợp nói trên, chúng tôi mong các tác giả và các cán bộ quản lý duyệt bài, trước khi in ở các tòa soạn báo cần hết sức thận trọng, kiểm tra thật kỹ nội dung bài viết để bảo đảm sự chính xác hoàn toàn, trung thành, trung thực với lịch sử. Bất cứ một sơ suất thiếu cẩn trọng nào cũng dễ dẫn đến những nhầm, sai đáng tiếc trên bài viết, gây ra sự hiểu chưa đúng của bạn đọc đối với những nhân vật và sự kiện lịch sử. Có như vậy mới góp phần tạo niềm tin của bạn đọc đối với báo chí, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sông Đáy