Doanh nhân CCB Lê Văn Trường giới thiệu các sản phẩm mắc ca đã được đóng gói của  HTX.

Vượt qua bao thăng trầm, cuối cùng, doanh nhân CCB Lê Văn Trường cũng tìm được đường “xuất ngoại” cho hạt mắc ca. Nhờ đó, mắc ca Di Linh dần khẳng định vị thế là loại cây trồng tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đất này.

Ông Lê Văn Trường quê Hà Tĩnh. Năm 1987, ông chọn Di Linh - Lâm Đồng lập nghiệp. Đưa chúng tôi thăm vườn, ông Trường không giấu được niềm vui khi thấy những cây mắc ca sừng sững, đầy rẫy những chuỗi hoa thơm ngát. Thế mà, đã có lần ông buồn chán và hoài nghi tất cả, kể cả cán bộ nông nghiệp vì nghĩ tương lai với “cây tỷ đô” này quá xa vời, mờ mịt.

Ông Trường nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, nghe cán bộ nói cây mắc ca phù hợp với đất Lâm Đồng và có cơ hội phát triển kinh tế nên tôi đã lặn lội sang tận Đắk Lắk mua giống về trồng. Trong diện tích 3,5ha, cùng với cà phê, 750 “cây tỷ đô” cứ thế lớn lên. Suốt 5 năm sau đó, những cây mắc ca cũng chỉ là kẻ vô hồn, tồng ngồng giữa nương rẫy. Nhiều gia đình làm cùng lúc với tôi đã quyết định chặt bỏ để lấy lại vườn cho cà phê, nên có lần tôi xuýt làm theo”.

Đến năm thứ 7, trong lúc đang buồn chán thì ông nhìn thấy cây ra hoa và cho những chùm quả bói đầu tiên. Từ đây, niềm tin về cây có trái nhen nhóm trong ông. Ông lại củng cố tinh thần, làm việc bất chấp để mong tìm thấy sự thành công. Năm thứ 8, ông thu hoạch cả khu vườn được vẻn vẹn 400kg trái tươi, chỉ đủ  mang về chia vui cùng gia đình, hàng xóm... Những người từng chặt bỏ cây ngày nào giờ đây lại tiếc nuối khi đã không vững niềm tin để cùng ông đi đến cùng.

Niềm vui vì cây cho trái chưa được bao lâu thì gia đình ông Trường phải đối mặt với bài toán đầu ra cho sản phẩm. Ông chia sẻ: “Cây cho thu hoạch mỗi ngày một nhiều nhưng người mua lại không phổ biến như mua hạt cà phê. Việc bán được một kg hạt mắc ca vô cùng khó khăn, chủ yếu là do không có khách hàng”.

Không chịu đầu hàng, ông tiếp tục kiên trì, dành nhiều thời gian học hỏi thêm kỹ thuật, bón phân, tưới nước, tỉa cành và tìm hiểu, nghiên cứu về sâu bệnh hại, cách phòng trừ để cây cho năng suất cao hơn. Cùng với việc làm vườn, ông liên hệ khắp các mối hàng, doanh nghiệp trong nước để giải quyết đầu ra. Ông Trường thổ lộ: “Tôi liên hệ được các nguồn tiêu thụ ở T.P Hồ Chí Minh và lần đầu tiên bán được 120kg hạt tươi. Những năm sau đó, tôi lại mon men tìm mối và bán cho các thương lái, bán cho các trạm dừng chân trên quốc lộ 20. Cứ thế, vừa chăm cây, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đến nay, mắc ca của gia đình đã vào được cả một số hệ thống siêu thị trong nước”.

Không để nguồn tiêu thụ dậm chân tại chỗ, càng không muốn để các nông hộ lao đao vì giá cả bấp bênh, ông quyết định đứng ra thành lập HTX Liên kết mắc ca Macadamia - Di Linh (viết gọn là HTX) vào năm 2018. Ông Trường cho biết, HTX ra đời với mục tiêu tạo liên kết thu mua, chế biến và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Với số vốn huy động hơn 1 tỷ đồng, HTX đầu tư trang bị máy móc hiện đại, chế biến mắc ca thành các sản phẩm chất lượng cao như: Hạt mắc ca sấy, tinh dầu mắc ca, ngũ cốc mắc ca… Nhờ đó, giá trị sản phẩm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đến nay, HTX có 33 thành viên với tổng diện tích 85ha, sản xuất theo quy trình VietGAP; sản lượng hàng năm đạt trên dưới 100 tấn.

Với mong muốn đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế, ông Trường cùng ban lãnh đạo HTX tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. HTX lấy chất lượng làm chính; chú trọng kiểm tra chất lượng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm - kết quả, năm 2019, HTX xuất khẩu thành công lô hàng 10 tấn mắc ca sấy đầu tiên sang Hàn Quốc. Đây là bước tiến quan trọng, mở ra cánh cửa cho trái mắc ca Di Linh vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều quốc gia như Đài Loan, Trung Quốc, Nga, Ukraina...

Nói về hướng đưa mắc ca Di Linh xuất ngoại trong thời gian tới, ông Trường tin tưởng: “Cơ hội xuất khẩu đã mở ra rồi. Bây giờ, mình cần đẩy mạnh sản xuất, chế biến để đáp ứng nguồn hàng chất lượng cho đối tác”.

Nhờ chiến lược phát triển rõ ràng, HTX đã và đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hành trình đưa mắc ca Di Linh xuất ngoại của ông Lê Văn Trường là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người CCB. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của ông và HTX, Hạt mắc ca Di Linh đang dần chinh phục thị trường quốc tế, mang lại lợi ích cho người nông dân và góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Vũ Minh