GS. Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Tiếp theo bài báo ngày 11-9-2014 của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đề cao việc xây dựng đảo Gạc Ma thành "tàu sân bay không thể đánh chìm của Trung Quốc trên biển Đông" với các luận điệu đổi trắng thay đen như "Việt Nam chiếm và gia cố 29 điểm đảo của Trung Quốc"... việc Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự ở đảo Gạc Ma là do bị Việt Nam và Philippin ép... Trong phạm vi đường lưỡi bò, Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Gạc Ma là để kiềm chế tối đa chứ chưa đánh bật Việt Nam và Philippin khỏi Trường Sa là may lắm rồi...". Ngựa quen đường cũ, ngày 10-12-2014, Thời báo Hoàn Cầu lại có bài bình luận với những ngôn từ quen thuộc:
Dưới đầu đề "Việt Nam xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc", tờ báo này nhắc lại vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 ngày 30-11: "Chúng ta không biết liệu tàu Trung Quốc có cố ý cắt cáp thăm dò gắn phía sau tàu Việt Nam hay không. Nhưng cả khi họ cố ý thì người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ cách hành xử này" vì Việt Nam là nước bạo dạn nhất trong việc khai thác dầu ở Biển Đông ... "Việt Nam ăn cắp dầu khí của Trung Quốc thông qua hợp tác với các công ty dầu khí một nước thứ ba... Trung Quốc luôn luôn cương quyết bảo vệ chủ quyền hơn bao giờ hết, Việt Nam và Philippin đừng trông đợi Trung Quốc thoái lui dưới cái gọi là "áp lực quốc tế". Họ phải hiểu dư luận quần chúng Trung Quốc là trên hết. Bảo vệ chủ quyền Trung Quốc là ý chí chung của 1,3 tỷ công dân Trung Quốc"!
Với những luận điệu "lấy thịt đè người" trên đây, phải đặt cho Thời báo Hoàn Cầu (TBHC) vài câu hỏi và mấy điều nhắc nhở:
- TBHC căn cứ vào điều luật nào của Công pháp quốc tế để nói bừa rằng vụ 2 tàu Trung Quốc 16063 và 16065 cắt cáp của tàu Bình Minh 02 ở tọa độ 27026,2 độ vĩ Bắc, 1080.09 độ kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 43 hải lý, là thuộc hải phận Trung Quốc, ngoài cái luận điệu "đường lưỡi bò" "liếm" đến đâu thì nơi đó thành của Trung Quốc? Một luận điệu bị cả thế giới phản đối, kể cả những người Hoa có lương tri. Tiện đây, cũng báo cho TBHC một tin buồn: Cũng do phản ứng đường "lưỡi bò" phi lý mà hãng Candino (Thụy Sĩ) vừa sản xuất 1.888 phiên bản đồng hồ đeo tay (1.500 đồng hồ nam, 388 đồng hỗ nữ), mặt và lưng đều in, khắc rõ dòng chữ "Hoang Sa, Trường Sa belong to Việt Nam” (Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam), có cờ đỏ sao vàng trên mặt, vừa gửi tới Việt Nam. Số 1888 là để ghi nhớ năm Đồng Khánh thứ 3, hoàn thành "mộc bản Triều Nguyễn" soạn từ các năm đầu Gia Long, ghi rõ hoạt động của những hùng binh triều Nguyễn ra làm chủ 2 đảo, mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
- Dựa vào cứ liệu nào mà TBHC dám vu cáo Việt Nam "ăn cắp dầu khí của Trung Quốc" nhưng lại "thông qua hợp tác với các công ty dầu khí một nước thứ ba" (tức là có các công ty dầu khí của nước khác "hợp tác với Việt Nam" cùng... ăn cắp?), "Việt Nam là nước bạo dạn nhất trong việc khai thác dầu khí ở Biển Đông" vì Việt Nam có bờ biển Bắc-Nam dài tới 3.260km, với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng trên 1 triệu km2, theo Luật Biển quốc tế. Đương nhiên Việt Nam đã và sẽ bạo dạn bảo vệ chủ quyền, khai thác các nguồn nhiên liệu, cũng như đã từng bạo dạn chống lại mọi thế lực xâm lăng, dù chúng từ đâu tới.
- Với yêu cầu "Việt Nam phải hiểu dư luận quần chúng Trung Quốc là trên hết. Bảo vệ chủ quyền Trung Quốc là ý chí của 1,3 tỷ công dân Trung Quốc" phải coi đây là luận điệu vừa mỵ dân vừa "cả vú lấp miệng em". Do đó, dù không muốn can thiệp vào nội bộ nước khác, cũng buộc phải nói rõ: về "bảo vệ chủ quyền Trung Quốc", chắc TBHC chưa quên sự kiện tháng 3-2014, Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm nước CHLB Đức, đã được Thủ tướng Angela Merkel "thân tặng" tấm bản đồ Trung Quốc vào năm 1775 (thời Càn Long) do nhà bản đồ học Jean Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, đang được lưu hành rộng rãi, bao gồm phần lõi của Trung Quốc và dân tộc Hán, vốn không có Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Chẳng phải nói, ai cũng hiểu bà Merkel muốn nói điều gì? Còn "ý chí của 1,3 tỷ dân Trung Quốc", bao gồm các dân tộc ở các xứ này đang diễn biến ra sao thì TBHC biết rõ hơn nhiều người khác.
- Nên nhớ rằng: đã sang nửa thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, chứ không còn ở những năm 314-256 T.C.N, thời Tần Thủy Hoàng, Thiên Triều muốn gì, các "man, di" đều phải tuân theo, đường “lưỡi bò” do Thiên Triều vẽ "liếm" đến đâu là thuộc chủ quyền đến đấy.
Việt Nam luôn quý trọng tình hữu nghị lâu đời giữa 2 dân tộc, 2 Đảng, 2 nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực, của châu Á và thế giới. Nhưng Việt Nam không bao giờ quên lời dặn đã tổng kết sâu sắc lịch sử dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
B.P.K