Nguyên nhân ban đầu có thể dosơ suất khi đốt vàng mã, đốt hương tại gian thờ bằng gỗ nên đã phát cháy. Phần bị cháy có kiến trúc đẹp nhất của căn nhà được làm chủ yếu bằng gỗ đã xuống cấp nhiều năm qua nhưng không được tu bổ. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản của các gia đình ước tính lên đến hàng chục triệu đồng. May mắn là mặt tiền ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Nhà số 47 Hàng Bạc được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và được xếp vào hàng cổ nhất Hà Nội, mang nhiều đặc trưng và vẻ đẹp của đô thị cổ Hà Nội cần được bảo tồn. Hiện nay trong căn nhà 47 Hàng Bạc có tới 6 hộ dân với trên 20 nhân khẩu sinh sống. Mặc dù được xếp vào hàng cổ nhất Hà Nội, bị xuống cấp trầm trọng, đứng trước nhiều nguy cơ cháy, sập nhưng căn nhà vẫn không được bảo tồn và các hộ dân phải vẫn sống chen chúc.
Đã có rất nhiều đoàn cán bộ trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát nhưng việc bảo tồn vẫn dậm chân tại chỗ. Thiệt hại về tài sản có thể thống kê được nhưng thiệt hại đối với giá trị văn hóa - di sản của Hà Nội thì không thể tính hết được.
Hiện nay Hà Nội mới bảo tồn thí điểm một số công trình cổ, còn lại hầu hết nhà cổ do tư nhân quản lý và sử dụng thìchưa có biện pháp nào quản lý, bảo tồn khả thi.
Trước đó, tháng 1/2009, căn nhà cổ tại số 100 Hàng Bạc đã từng bị đổ sập khiến nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội lúng túng. Việc bảo tồn, khắc phục sự cố tại số nhà 100 Hàng Bạc cũng như nhiều công trình, nhà cổ khác kéo dài đến nay vẫn chưa xong. Nếu không khẩn trương hành động, số lượng nhà cổ bị đổ sập sẽ tăng lên nhanh trong thời gian tới.
Quỳnh Anh (TH)