Xã Yên Đồng quê ông vốn là làng nghề cổ băng giang, người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm làm các dây băng giang xuất khẩu sang Tiệp Khắc (cũ). Tuy nhiên, do sản phẩm xuất khẩu phải được chọn lựa rất kỹ nên nguyên liệu thừa từ việc làm dây băng rất nhiều. Chính vì vậy ông mới nảy ra ý nghĩ lấy nguyên liệu thừa để làm thành những chiếc mũ băng giang. Nghĩ là làm, ông đã xây dựng Tổ hợp may 27-7 chuyên làm mũ băng giang, rất tiện lợi cho người sử dụng và giá thành rẻ nên đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, ông còn vận động, tạo điều kiện cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách tham gia làm việc tại cơ sở sản xuất của ông. Tổ hợp may có 80 máy, ông đứng ra hỗ trợ các gia đình một phần kinh phí để mua máy về làm và dạy nghề cho từng gia đình, rồi đi các tỉnh giới thiệu, liên hệ với các HTX mua bán giới thiệu sản phẩm để bán cho người dân và các trường học.
Đến năm 1990, khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ mũ băng giang giảm mạnh, ông bắt đầu tìm hiểu các thị trường ở nước ngoài và nhận thấy nếu thay đổi mẫu mã thì sản phẩm mũ băng giang sẽ tìm được chỗ đứng vào các dịp lễ hội hay mùa bóng đá... Các sản phẩm mũ băng giang, các loại hộp, khay, đệm ... với nhiều màu sắc bắt mắt, phù hợp với không khí các lễ hội và thị hiếu người tiêu dùng và đi liên hệ với các công ty xuất nhập khẩu ở các TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… gửi mẫu sản phẩm đi chào hàng. Năm 1998, thành công đã đến bất ngờ với ông khi các sản phẩm được khách hàng quan tâm, yêu thích và đơn hàng đầu tiên ông nhận được đến từ Pháp, sau đó là các thị trường như Trung Quốc, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Hàn Quốc… mỗi năm xuất đi khoảng 100.000 sản phẩm, thu về trên 500 triệu đồng. Ông tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, tạo ra việc làm cho hơn 30 lao động, ngoài ra, còn thuê hàng trăm hộ trong xã sản xuất bằng phương thức cấp vốn, nguyên liệu, hướng dẫn cách làm cho các gia đình rồi thu gom sản phẩm lại để hoàn tất các công đoạn phối màu, phơi sấy, đóng gói để xuất bán sang các nước.
Không dừng lại ở sản phẩm mũ băng giang xuất khẩu, năm 2002, ông mở thêm xưởng may quần áo, tạo việc làm cho 100 lao động với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Năm 2008, ông lại mở thêm một xưởng nhỏ làm phụ liệu ngành may là cạp phụ, cùng với việc sáng tạo ra máy khâu dùng 18 kim chuyên làm cạp phụ đã tạo ra việc làm cho 5 công nhân. Hiện tại, xưởng sản xuất phụ kiện ngành may của ông một ngày làm ra khoảng 2.000m cạp phụ bán ra thị trường.
Từ sự phấn đấu không ngừng, ông được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen “Thương binh xuất sắc trong phong trào xóa đói giảm nghèo làm kinh tế giỏi”, bằng khen của Bộ LĐTBXH...
Bài và ảnh:
Dương Quốc-Văn Thứ