Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Samarkand ngày 15-9.

“Chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận “cân bằng” của người bạn Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như việc Trung Quốc lật tẩy các chính sách “xấu xí” của Washington” - Tổng thống Nga - Vladimir Putin phát biểu mở đầu cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Samarkand, Uzbekistan,ngày 15-9.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh "Sẵn sàng hợp tác với Nga, thể hiện trách nhiệm của các cường quốc và đóng vai trò dẫn đầu để mang đến sự ổn định cũng như năng lượng tích cực cho một thế giới đang chao đảo".

Đó là những phát biểu mang tính định hướng lớn cho quan hệ Nga - Trung trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Động thái trên của Nga và Trung Quốc không hề bất ngờ khi cả hai quốc gia đang có những mâu thuẫn lớn dai dẳng với Mỹ và châu Âu. Do đó, hiển nhiên hai bên có chung mong muốn làm suy yếu ảnh hướng của Mỹ và đồng minh trên thế giới. Để làm được điều đó, cái bắt tay thật chặt giữa lãnh đạo hai nước là điều có thể suy đoán được bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ngay trước khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, Tổng thống Putin có chuyến thăm Bắc Kinh và tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông. Nhân dịp này, hai bên tuyên bố quan hệ đối tác giữa hai nước là “không giới hạn”. Thực tế là, với Trung Quốc, Nga là một đối tác đáng tin cậy trong việc cung cấp năng lượng, hàng hóa và vũ khí hiện đại. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang hưởng lợi từ chiến sựở Ukraine, ít nhất là bởi cuộc xung đột này khiến Mỹ phần nào dịch chuyển sự chú ý cũng như các nguồn lực khỏi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng nỗ lực để không khiến các rủi ro đi quá xa. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đã giảm so với Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc kiên quyết từ chối chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine và lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Về phần mình, Nga ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi. Tổng thống Putin đã bày tỏ sự ủng hộ của Nga đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ những hành động khiêu khích của Mỹ ở Eo biển Đài Loan và âm mưu của Mỹ nhằm tạo ra một “thế giới đơn cực”.

Các chuyên gia phân tích nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Tập Cận Bình ở Samarkand là một sự đảm bảo quan trọng cho sự phát triển ổn định của các mối quan hệ song phương, báo hiệu quan hệ Trung - Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ cảnh giác cao độ trước những âm mưu của Mỹ và phương Tây nhằm liên kết Trung Quốc và Nga thành một khối chính trị và quân sự, đồng thời gây chia rẽ giữa hai nước với phần còn lại của thế giới.

Có thể thấy, những nhận xét của ông Putin về lập trường cân bằng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine là khách quan vì Trung Quốc luôn giữ thái độ rất quan tâm và thấu hiểu, đồng thời hy vọng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình. Đối với vấn đề Đài Loan, những điều đúng và sai đã rất rõ ràng. Phát biểu của ông Putin đã phản ánh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga vì một kỷ nguyên mới.

Những thỏa thuận mà Moscow và Bắc Kinh đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua chưa được công bố. Thế nhưng, tuyên bố công khai của lãnh đạo hai nước cũng như lập trường và sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên, nhất là từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine cho thấy Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau.

Nga và Trung Quốc đều là hai nước lớn và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Điểm tương đồng là cả hai quốc gia đều đang bị Mỹ và châu Âu cấm vận và cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực. Việc Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau có thể tạo ra một thế giới đa cực mới, điều mà Mỹ và đồng minh không ưa. Thế nhưng, khi lợi ích quốc gia là tối thượng thì việc các quốc gia tìm được đối tác hợp tác trong khó khăn là điều hiển nhiên.

         Thanh Huyền