Phát biểu trước phóng viên tại thủ đô Moscow, ngày 9/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, “tình hình tại Syria hiện giờ rất đáng báo động”. Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì quan điểm phản đối các hành động can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Theo ông Lavrov, hành động này, nếu diễn ra tại Syria, sẽ dẫn tới một kịch bản tồi tệ và gây nên những hậu quả thảm khốc cho toàn khu vực. Qua đó, Ngoại trưởng Nga kêu gọi tổ chức một Hội thảo quốc tế có vai trò hỗ trợ việc hoàn tất bản kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập (AL) Kofi Annan đề xuất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài suốt 15 tháng qua tại Syria. Ông Lavrov cho rằng, Hội thảo quốc tế về tình hình Syria với sự tham gia của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu được diễn ra theo đúng như dự kiến, nên được xem là “một nền tảng khung duy nhất” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, đồng thời là “cơ sở duy nhất” để hoàn thiện các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Syria. Ông Lavrov rằng, hiện không có phương án nào có thể thay thế cho bản kế hoạch hòa bình của ông Annan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Theo ông Lavrov, chính phủ Syria hiện không phải là đối tượng duy nhất chịu trách nhiệm về tình hình bất ổn đang diễn ra tại quốc gia này mà chính các “thế lực bên ngoài” đang theo đuổi các hành vi nhằm ủng hộ phe đối lập đang tiếp tục châm ngòi cho bạo lực, xung đột và đối đầu tại Syria, cũng như đẩy quốc gia này đến bờ vực nội chiến. Trong lời phát biểu trước báo giới ngày 9/6, ông Lavrov khẳng định, Moscow không phản đối sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà trái lại, Nga sẵn sàng ủng hộ phương án này nếu như nó phản ánh đúng nguyện vọng của người dân Syria. Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng viện dẫn tới quá trình chuyển giao quyền lực tại Yemen hồi cuối năm ngoái, khi mà Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi sau 33 năm cầm quyền. Ngoại trưởng Nga cho rằng, đây là kết quả của những diễn biến sự việc bên trong nội bộ Yemen mà không có bất kỳ điều kiện áp đặt nào hay hành hành vi can thiệp nào từ phía bên ngoài. Ông Lavrov khẳng định, Nga sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ thân thiết với Syria và Moscow sẽ phản đối bất kỳ nghị quyết nào trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm chống lại quốc gia này bởi nó sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với các nước láng giềng của Syria tại khu vực Trung Đông. Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi cuối tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông cũng bày tỏ quan điểm “phản đối mạnh mẽ những hành vi can thiệp quân sự từ phía bên ngoài cũng như “bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi chế độ” tại Syria. “Chúng tôi cực lực phản đối những toan tính can thiệp quân sự hay sử dụng vũ lực để thay đổi chế độ tại Syria...Trung Quốc luôn luôn đóng vai trò tích cực và xây dựng trong việc sớm tìm ra một giải pháp hòa bình và phù hợp cho tình hình tại Syria… Bắc Kinh giữ một quan điểm công bằng, phù hợp và trách nhiệm đối với Syria, cũng như vì mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định cho toàn khu vực Trung Đông”, ông Lý Bảo Đông nói. Ông Lý Bảo Đông còn khẳng định, Trung Quốc luôn theo dõi sát sao những diễn biến tại Syria và vụ tàn sát đẫm máu tại Houla ngày 25/5 đã một lần nữa hối thúc các bên nhanh chóng đưa ra một lệnh ngừng bắn và chấm dứt bạo lực toàn diện tại Syria. Qua đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các phe phái tại Syria cần ngay lập tức thực hiện những bản nghị quyết có liên quan từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bản kế hoạch hòa bình của ông Annan để có thể duy trì nền tảng cho những giải pháp chính trị và tránh khủng hoảng leo thang tại Syria. Tuy nhiên, trái với quan điểm trên của Nga và Trung Quốc, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 10/6 đã từ chối loại bỏ biện pháp can thiệp quân sự vào Syria khi nhận định rằng tình hình ở Syria hiện nay "giống như Bosnia” nơi mà Anh đã phải cử tới 12.000 quân vào những năm 1990 (thậm chí còn nhiều hơn cả số quân mà Anh đã chi viện cho cuộc chiến tại Libya). Ông Hague cho biết, lý do ông không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Syria là bởi quốc gia Trung Đông này đang bên bờ vực của nội chiến phe phái, và không ai có thể đưa ra đánh giá chính xác rằng “tình hình tại Syria sẽ có thể diễn biến nghiêm trọng tới mức độ nào”. Thậm chí Ngoại trưởng Hague còn cho biết, chính quyền London sẽ buộc phải “tăng đáng kể các khoản viện trợ cho phe đối lập tại Syria” nếu như kế hoạch ngừng bắn hiện thời của Liên hợp quốc tại Syria không phát huy tác dụng. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về giải pháp cho tình hình tại Syria thì tình trạng bạo lực tại quốc gia này vẫn tiếp tục có dấu hiệu leo thang, đặc biệt sau khi phe đối lập tuyên bố từ bỏ bản kế hoạch hòa bình do ông Annan đề xuất. Các nhà hoạt động đối lập tại quốc gia này vừa cho biết, có ít nhất 12 người thiệt mạng trong ngày 10/6, nâng tổng số người chết kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad lên 14.100 người. Các vụ bạo lực tiếp tục gia tăng bất chấp sự có mặt của 300 quan sát viên Liên hợp quốc đang giám sát lệnh ngừng bắn lẽ ra phải được thực hiện từ ngày 12/4 vừa qua. Chỉ riêng trong ngày 9/6 đã có 111 người thiệt mạng do bạo lực, gồm 83 dân thường và 28 binh sĩ, biến ngày 9/6 trở thành ngày đẫm máu nhất ở Syria trong hai tháng qua. Trong khi đó, diễn biến xung đột tại Syria có nguy cơ rẽ sang một chiều hướng phức tạp hơn khi trong một cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 10/6, các đại diện của SNC đã bầu một nhà hoạt động người Kurd là ông Abdel Basset Sayda, thay cho ông Burhan Ghalioun làm lãnh đạo tổ chức này. Phát biểu trước 33 thành viên của ban lãnh đạo cấp cao SNC, ông Sayda cho biết, nhiệm vụ chính của ông trên cương vị mới là “tái cơ cấu” SNC để nâng cao sức mạnh của tổ chức này trong công cuộc chống lại chính quyền al-Assad. Các nhà hoạt động của phe đối lập kỳ vọng, dưới vai trò lãnh đạo của SNC, ông Sayda có thể khuyến khích thêm lực lượng người Kurd (vốn chiếm tới hơn 10% trong tổng dân số gồm 21 triệu người tại Syria) tham gia vào công cuộc lật đổ ông al-Assad. Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Sayda đã đề dẫn tới chương 7 trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và cấm vận vũ khí và thậm chí là sử dụng vũ lực tại Syria trong trường hợp cần thiết. “Chúng tôi kêu gọi Liên hợp quốc, áp dụng các điều khoản được nêu lên trong chương 7 và ủy quyền cho các hành vi sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường khỏi nguy cơ bạo lực hiện nay tại Syria”, ông Sayda nói. Được biết, chương 7 trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng đã được phe nổi dậy và các nước phương Tây áp dụng để can thiệp quân sự vào tình hình tại Libya hồi năm ngoái. Phương Uyên (TH)
Bài sau
Chưa có công cụ đủ mạnh để khắc phục tình trạng chuyển giá (13/06/2012)
13 Th06, 2012 - 07:00
Bài liên quan
Triển khai Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
22 Th02, 2021 - 10:25
Tiến bước tới hòa đàm
15 Th04, 2020 - 14:02
Gõ cửa kinh tế
15 Th04, 2020 - 14:01
Thiên táng của Tây Tạng
14 Th04, 2020 - 17:01
Siêu thế chiến
14 Th04, 2020 - 16:54
Người bạn đời, người đồng chí của V. I. Lenin
14 Th04, 2020 - 16:51
Một tương lai u ám
14 Th04, 2020 - 10:52
Thiết chế thúc đẩy Liên Xô sụp đổ
14 Th04, 2020 - 10:45