Luật Quản lý thuế hiện hành được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2006, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thống nhất quy định về chính sách quản lý thu thuế, thay đổi phương thức quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế đã phát sinh nhiều vấn đề mới, cộng với việc thay đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế và những vướng mắc từ thực tiễn của công tác quản lý thuế nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế.

Thảo luận tại Hội trường, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định về chống chuyển giá (doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất và nộp thuế không tương xứng với quy mô sản xuất), gây thất thu thuế. Năm 2011, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hàng nghìn tỷ đồng do chuyển giá. Thậm chí, nếu kiểm tra toàn diện và truy thu được thì ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Có đại biểu nhận xét, các vấn đề liên quan đến cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá để tính thuế mới chỉ dừng ở việc nêu vấn đề và quy định những nội dung mang tính định hướng, chưa đề cập trực tiếp đến các nội dung cụ thể. Đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung vào Dự thảo luật điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, các trường hợp cụ thể áp dụng cơ chế này, nội dung thực hiện, biện pháp ngăn ngừa trốn lậu thuế, chế tài xử phạt... nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Các nội dung cụ thể hóa việc chống chuyển giá còn được đề cập ít trong luật, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế hiện đại và chưa đủ để khắc phục tình trạng chuyển giá trốn thuế trong thời gian qua. Hiện nay tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình hạch toán lỗ, thậm chí doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp thực hiện chuyển giá giữa các bên có quan hệ liên doanh, liên kết giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con tại Việt Nam hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau diễn ra phổ biến nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định để ngăn chặn dẫn đến tạo khe hở để các doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu tán thành với việc bổ sung nội dung liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, gửi giá đang diễn ra hiện nay.

Có ý kiến đề nghị, dự luật cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế trong Luật quản lý thuế về chống chuyển giá vì hiện nay tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp liên kết trong và ngoài nước rất phổ biến gây thất thu lớn về thuế.

Ngoài nội dung trên, thảo luận tại Hội trường, các đại biểu còn cho ý kiến về các nội dung liên quan tới vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế như về hồ sơ, về thủ tục, về thời gian khai thuế, hoàn thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt; vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế, các biện pháp cưỡng chế và các chế tài để xử phạt.

Mai Anh