Hạn chót ngày 2-8 tăng trần nợ lên 14,3 nghìn tỉ USD, các thủ lĩnh hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn trong tình trạng chia rẽ gay gắt khi theo đuổi những đề xuất ngân sách riêng rẽ và chưa có lộ trình rõ ràng nào để đưa họ xích lại gần nhau. Bên này thông bên kia bác, màn đuổi bắt thất bại giữa lưỡng đảng Mỹ trên đồi Ca-pi-tôn dù đã được dự báo nhưng vẫn không khỏi khiến dư luận toàn cầu nghẹt thở dõi theo trong lo lắng. Chính phủ của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa những người Dân chủ và Cộng hòa cho thấy các cuộc thương thuyết suốt nhiều tuần qua chưa hề rút ngắn được khoảng cách chia rẽ về nợ công trong lòng nước Mỹ. Số phận hàng loạt các khoản thanh toán an sinh, những hợp đồng từng được ao ước giữa chính phủ với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ… đang là con tin của cuộc thi gan chưa từng thấy giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Phe Dân chủ hiện công khai quy trách nhiệm về tình trạng bế tắc này là do phong trào siêu bảo thủ trong đảng Cộng hòa, trong khi không phe nào chịu ủng hộ kế hoạch ngăn chặn khả năng vỡ nợ của phe kia. Dường như các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện nghĩ rằng nếu họ không cho nâng mức nợ quốc gia, sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng vỡ nợ hoặc chính phủ liên bang phải từ từ đóng cửa, công chúng sẽ có ác cảm với Tổng thống B. Ô-ba-ma. Còn những người Cộng hòa ở Hạ viện không chịu nâng mức nợ sẽ không bị mang tiếng. Vấn đề cần phải đặt ra ở đây là hành động đó ảnh hưởng đến chuyện cải tổ tài khóa và hậu quả chính trị sẽ ở tầm vóc như thế nào.
Có thể nói, chưa bao giờ tư tưởng đảng phái lại thể hiện rõ đến vậy trong quyết định liên quan đến ngân sách của Chính phủ Mỹ. Trên thực tế, nâng trần nợ quốc gia không còn là điều quá mới tại Mỹ khi nước này đã có tới 39 lần nới rộng ngưỡng thanh khoản cho chính phủ. Tuy nhiên, chưa lần nào, mối bất đồng lưỡng đảng lại đẩy nước này tới gần vực nước xoáy khủng hoảng như đang diễn ra.
Phải chăng động cơ chính trị là có thật ẩn sau cuộc chiến ngân sách đang diễn ra. Khi mức nợ quốc gia rơi vào điểm nhạy cảm, tương lai kinh tế đất nước ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh của người dân Mỹ… ắt sẽ là mối quan tâm của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2012. Tổng thống B. Ô-ba-ma cảnh báo rằng, nếu các nhà lãnh đạo chính trị không đạt được một thỏa hiệp để tăng trần nợ của Mỹ thì khoản nợ đang tăng mạnh có thể làm ảnh hưởng đến việc làm và gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, hiện các chuyên gia Mỹ vẫn giữ tinh thần lạc quan vì Tổng thống Ô-ba-ma và Quốc hội không thể nào để khối nhân viên nhà nước và giới hưu trí rơi vào cảnh không lương và phụ cấp, còn nền kinh tế thiếu đầu tư. Cử tri Mỹ sẽ chất vấn một số nghị sĩ và dùng sức mạnh lá phiếu của họ để gây sức ép giúp đạt được thỏa thuận tăng mức trần nợ công. Trong trường hợp bất khả kháng, Hiến pháp Mỹ có điều khoản cho phép trong trường hợp nguy cấp, tổng thống có thể tự quyết định nâng trần nợ.
Có thể thấy, trước hạn chót một hơn một ngày, việc đàm phán nợ công đạt bước tiến triển tích cực, các nhà lãnh đạo lưỡng đảng đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tránh kịch bản vỡ nợ. Đó là sự lựa chọn tất yếu. Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ nâng trần nợ công, hiện được giới hạn ở mức 14.300 tỷ USD, thêm khoảng 2.400 tỷ USD và cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Việc giảm thâm hụt ngân sách được tiến hành theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu cắt giảm khoảng 1.000 tỷ USD và giai đoạn hai giảm 1.500 tỷ USD. Thỏa thuận đề xuất này còn cần phải được quốc hội thông qua, song nó đã giúp cho các thị trường thế giới "thở phào" phần nào sau một thời gian theo dõi sát sao cuộc tranh cãi giữa hai đảng chính trị lớn, đe dọa gây ra những thiệt hại kinh tế đối với sự phục hồi vốn đã vô cùng chật vật của quốc gia giàu nhất thế giới này.
Thanh Lâm