Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đoàn 559 tại xã Hương Đô

    Nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 – 01/3/2023) chúng tôi về thăm lại Đại bản doanh của Đoàn 559 đặt tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2005, quần thể di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013 được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

     Hương Đô là xã miền núi của huyện Hương Khê, có bề dày truyền thống yêu nước nồng nàn, người dân cần cù chịu khó trong lao động. Những năm đánh Mỹ, Hương Đô được chọn là Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 và Đoàn 500, đặt ở thôn Sông (nay là thôn 7). Từ năm 1966 – 1970, nơi đây ghi dấu ấn của nhiều vị lãnh đạo của Đảng, các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Quân đội; đặc biệt có 4 vị Trung tướng có mặt tại Sở chỉ huy trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh, đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, Trung tướng Nguyễn Đôn và Trung tướng Lê Quang Đạo. Hơn 20 căn nhà của làng với hàng chục ha đất vườn được hiến cho bộ đội Trường Sơn làm Sở chỉ huy và các bộ phận phục vụ; trong đó căn nhà 3 gian của cụ Nguyễn Văn Khánh làm nơi hội họp của các tướng lĩnh. Căn nhà của bà Đinh Thị Khánh là nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở và làm việc.

Cây Hoa Sửa được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng tặng Đình Làng năm 1993.

     Khi thấy chúng tôi đến nhà, các chị em con bà Khánh tập trung đông đủ, trò chuyện rôm rả, khi nhắc đến dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì ai cũng muốn kể về những ngày được gặp Trung tướng. Bà Khánh hiện đã 97 tuổi, phải nằm ở giường nhưng thấy khách vào thăm bà vẫn ngồi dậy tiếp chuyện. Bà bảo “lâu rồi quên hết, nhưng ngày đó nói có bộ đội đến ở là gia đình tình nguyện hiến nhà, có chi giúp được như gạo, ngô, khoai, sắn là dành cho bộ đội, thương lắm… sau này theo yêu cầu của chính quyền, gia đình còn hiến cả đất đai, vườn tược để xây nhà tưởng niệm và lập bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…”. Chị Nguyễn Thị Huệ, con gái đầu của bà Khánh năm nay hơn 70 tuổi bồi hồi nhớ lại: “hồi đó bộ đội đến ở trong nhà, tôi chỉ mới học lớp 5, vừa đi học vừa lo giữ em, nhà có đến 6 chị em. Ban đầu thì không biết gì cả, nhưng về sau thì biết bác Nguyên ở trong nhà; Bác ấy người cao và hơi gầy, Bác thường dặn chúng tôi chơi ngoan, học giỏi, ra ngoài ai hỏi không được nói gì, thực hiện “ba không” – không biết, không nói, không chỉ… Ngoài giờ làm việc, hễ có thời gian là Bác sinh hoạt với gia đình như người trong nhà, Bác hiền lành, vui tính và dễ gần lắm …”

Bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại nhà lưu niệm khu di tích Quốc gia đặc biệt ở xã Hương Đô.

    Còn ông Nguyễn Văn Khánh, năm nay đã 80 tuổi, là dân quân tự vệ tham gia bảo vệ các bến phà Địa Lợi, Lộc Yên. Nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Bác Khánh nhớ lại: “ gia đình tôi là nơi dành cho các tướng lĩnh Sở chỉ huy hội họp, một hôm Bác Nguyên cho gọi tôi sang và hỏi “cậu có biết đánh tầm quất không”, tôi thành thật: “Dạ, có biết nhưng không được rành lắm”… thế rồi được phép của các chú bảo vệ, tôi vào “ tầm quất “cho Bác ở dưới hầm tránh đạn; dần thành quen, khi nào thấy mệt là Bác lại gọi tôi sang. Trên người Bác chi chít những vết thương, to nhỏ đến 27 chổ; nhưng Bác không hề tỏ ra đau đớn chi cả…”. Tiếng lành đồn xa, về sau tôi còn được vinh dự tầm quất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Đinh Đức Thiện và một số vị tướng khi dừng chân ở Sở Chỉ huy đoàn 559.

Tấm Bia ghi tến 4 vị Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Vũ Xuân Chiêm, Nguyễn Đôn, Lê Quang Đạo.

     Cùng đi thăm khu di tích với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Đô cho biết: “mấy tuần nay, khi nhận được kế hoạch về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, các cấp chính quyền, Hội CCB và đoàn thể của xã đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: dọn vệ sinh làm đẹp các tuyến đường vào khu di tích, tổ chức nói chuyện truyền thống về đường Trường Sơn – về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; nhiều pa no áp phích được làm mới và đặt ở những vị trí ngã ba, ngã tư chào đón du khách; ngoài ra còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách…”

Ông Nguyễn Văn Khánh đang giới thiệu về hầm Chỉ huy sở của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Giao thông hào nối thông các hầm Sở Chỉ huy Đoàn 559.

       Hội CCB xã Hương Đô hiện có trên 272 hội viên, sinh hoạt ở 08 Chi hội; là những Cựu chiến binh vinh dự được sống trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có khu di tích quốc gia đặc biệt, có nhà lưu niệm và nơi thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; nhiều hội viên là những người lính của bộ đội Trường Sơn, luôn phát huy tốt bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, noi gương các bậc tiền bối, các tướng lĩnh đã một thời cống hiến, hy sinh cho tuyến đường chiến lược, để lại những kỷ niệm không thể nào quên với người dân và CCB Hương Đô. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt để giáo dục cho thế hệ trẻ mãi mãi biết ơn và noi gương các Anh hùng liệt sỹ, các vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại; Chính quyền và bà con nhân dân Hương Đô mong muốn có một ngôi trường hay tuyến đường ở địa phương mang tên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên...”, ông Tuấn chia sẻ.

                                                                       Bài và ảnh: Lê Anh Thi