CCB Đặng Ngọc Phan kể:
Trung tuần tháng 3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Đơn vị tôi có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 352, cách thị xã Tam Kỳ gần 2km về phía tây nam, mở đường cho một cánh quân tiến vào giải phóng Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Cứ điểm 352 được trang bị hỏa lực mạnh và pháo 105 ly, lô cốt, hầm hào kiên cố, bao bọc 5 lớp hàng rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc. Khi bị tiến công có pháo tầm xa và không quân ngụy yểm trợ.
Đúng 5 giờ sáng ngày 26-3-1975, pháo 130 ly và cối 82 của ta phủ đầu dội xuống cao điểm, mở màn trận đánh. Địch cố thủ trong lô cốt và hàng rào chống trả quyết liệt, pháo tầm xa của chúng ở Tam Kỳ bắn tới rồi máy bay trinh sát OV10 và phản lực ném bom quần đảo. Đến 8 giờ trận đánh vẫn diễn ra ác liệt, khẩu đội 12,7 ly của tôi được lệnh tháo súng làm 3 bộ phận xông lên giá súng ngay trên mặt đất cách địch khoảng gần 50m, bắn ứng dụng. Tôi ghì càng súng vào vai bóp cò, từng làn đạn xối xả khống chế hỏa điểm địch tạo điều kiện cho bộ binh xung phong. Bỗng một quả bom địch nổ gần, khói bụi mù mịt, tôi thấy tức ngực, áo rách toang, cánh tay trái đầm đìa máu. Sau phút choáng váng đồng đội băng tạm rồi chuyển về phía sau. Ở đây tôi được một cô y tá đơn vị bạn thay băng thật tận tình. Khi hỏi tên, em trả lời là Năm Cúc, quê Điện Bàn, Quảng Nam, hẹn anh ngày giải phóng, rồi vội vàng đeo túi thuốc lao lên phía trước. Tôi về đến Trạm phẫu thuật thì được biết đơn vị làm chủ Cao điểm 352 lúc 8 giờ 20 phút. Sau đó, ta giải phóng thị xã Tam Kỳ, phố cổ Hội An, TP. Đà Nẵng và cả miền Nam.
Sau ngày kháng chiến kết thúc, đơn vị tôi chuyển về huyện Điện Bàn, Quảng Nam làm nhiệm vụ khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam. Chúng tôi được ở nhà má Tư, chồng má là Ba Phi từng tham gia du kích nằm vùng, chiến đấu nhiều trận với Mỹ-ngụy và hy sinh trong một trận đánh mùa Xuân Mậu Thân 1968, để lại cho má có ba người con, một trai, hai gái. Người con gái lớn tên Năm Cúc theo Quân giải phóng từ khi 17 tuổi, hiện giờ đang làm y sĩ của Bệnh viện huyện Điện Bàn, cách nhà 6km. Linh cảm tôi nhớ lại hình dáng có y tá duyên dáng, nhanh nhẹn, thay băng vết thương ở cánh tay trái cho tôi gần hai năm về trước.
Vào một chiều thứ 7, từ đầu ngõ tôi đã nghe tiếng người con gái tay xách túi vải, mặc bộ bà ba quen thuộc, chào má và các anh bộ đội ríu ran. Má tươi cười nói; con gái tao đó, bận trực hai tuần nay nó mới về để kịp giỗ ba ngày mai. Sau một hồi trấn tĩnh, hai chúng tôi nhận ra nhau, nắm chặt tay nhau trong niềm dâng trào xúc động. Em bắt tôi cởi áo cho xem vết thương rồi bóp mạnh làm cánh tay tê tê, nhoi nhói. Từ hôm đó em dành cho tôi tình cảm sâu nặng. Chủ nhật nào em cũng về thăm nhà và mua quà cho tôi. Hoàn thành nhiệm vụ ở huyện Điện Bàn, đơn vị tôi trở về núi Quế Sơn, thị xã Hương An để huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Tạm biệt gia đình má Tư nhưng giữa tôi và Năm Cúc vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Tôi thường về thăm má và gia đình vào chủ nhật; vẫn giữ trọn tình đồng chí, đồng đội với Năm Cúc và em là tình yêu ban đầu của tôi, nhưng chưa lên tiếng. Tháng 8-1980, tôi nhận quyết định phục viên về quê tỉnh Thái Bình với quân hàm Trung úy. Ngày chủ nhật, tôi đạp xe đến gia đình chào má và em mà nghẹn lòng lưu luyến, nhớ thương. Nghe má Tư cười vui: “Tao để dành Năm Cúc cho mi đó” mà tôi lâng lâng sung sướng, rưng rưng xúc động, thầm hẹn nhất định trở vào với má và em.
Nhưng vì nhiệm vụ mới, là giáo viên trên bục giảng với đàn học sinh thân yêu, rồi làm cán bộ quản lý của một trường Trung học cơ sở, tôi chưa thực hiện được mong muốn của má Tư. Mùa hè 1988 tôi theo Đoàn CCB vào thăm lại chiến trường xưa và tranh thủ tìm về gia đình má Tư 8 năm trước. Em trai Sáu Trịnh tham gia Đoàn thanh niên tình nguyện của huyện, em gái Bảy Liên theo Năm Cúc vào làm ở một bệnh viện trong TP. Đà Nẵng. Cả ba chị em đều đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Thắp nén hương thơm cho ba và má Tư mà tôi không nói lên lời. Năm Cúc ơi! Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn là đồng chí, đồng đội bên nhau. Em vẫn là mối tình đầu của tôi.
Trúc Phương