Trong những năm qua, công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên CCB phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái lao động sản xuất vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế nâng cao đời sống luôn là vấn đề được các cấp Hội từ tỉnh xuống cơ sở quan tâm sâu sắc, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Hội. Hằng năm, căn cứ nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, đặc biệt với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh nhiệm kỳ V (2012-2017) đưa vấn đề phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên gắn với bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng. Từ đó Thường trực Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, khảo sát xác minh đánh giá đúng số lượng hộ nghèo và cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân và phân loại cụ thể để có kế hoạch giúp đỡ tạo điều kiện về vốn sản xuất. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất giỏi, Hội đã nhận được sự giúp đỡ của Ngân hàng CSXH, Sở NNPTNT, LĐTBXH, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng...
Hội đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế, động viên hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như các CCB Nguyễn Văn Thịnh ở huyện Cát Tiên vừa làm giàu vừa có tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các cháu học sinh với số tiền hàng trăm triệu đồng, được CCB và nhân dân địa phương vinh danh “Người CCB có tấm lòng vàng”; CCB Phạm Ngọc Tổng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã vận động gia đình làm 1km đường cấp phối, kéo 1km đường dây điện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đỡ vốn, giống cây trồng trị giá hàng tỷ đồng; CCB Trần Thanh Cảnh ở Nam Ban đóng góp làm đường giao thông, kéo đường điện phục vụ xây dựng nông thôn mới…. Nhiều hội viên trồng cà phê, trồng cây ăn trái thu hoạch mỗi héc-ta được 500-800 triệu đồng. Đặc biệt, một số hội viên mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng kết hợp với bảo vệ môi trường chăm lo sức khỏe của người lao động, đó là CCB Nguyễn Văn Thịnh đã xử lý chất thải từ đàn heo để xây hầm bi-ô-ga lấy năng lượng phục vụ cho gia đình và một số hộ dân liền kế được sử dụng ga miễn phí; CCB Võ Đình Phúc ở TP. Đà Lạt đã tự tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công máy xay phân vi sinh phục vụ bà con nông dân ở địa phương, vừa giảm chi phí vừa giữ được vệ sinh môi trường, được các đơn vị sản xuất phân bón và người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Hiện nay, Hội CCB tỉnh đã thành lập Công ty CP CCB Lâm Đồng và đang xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất trên địa bàn TP. Đà Lạt.
Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về xóa nhà dột nát cho các đối tượng khó khăn, BCH Hội CCB tỉnh đã có nghị quyết vận động cán bộ, hội viên đóng góp Quỹ “Hỗ trợ giảm nghèo và xóa nhà dột nát” cho hội viên nghèo. Tính đến nay, toàn Hội đã thu được 3,5 tỷ đồng và xây dựng 72 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, trong đó xây 1 căn nhà tặng CCB nghèo tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Đến cuối năm 2015, CCB trong tỉnh không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội giảm một cách đáng kể, từ 4,8%, đến nay chỉ còn 1,01%.
Thời gian tới, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng phấn đấu có trên 55% hộ gia đình hội viên có mức sống khá và giàu, giảm hộ nghèo hằng năm là 50% theo tiêu chí mới của Chính phủ, vận động hội viên CCB tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tập trung phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hội tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để ngày càng có nhiều hội viên vươn lên làm giàu, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Hội CCB tỉnh Lâm Đồng ngày càng vững mạnh.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi