Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Không chỉ chê báo cáo của Chính phủ đã quá “lạc quan” với những điểm tưởng như là thành tích, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội còn đưa những dẫn chứng từ thực tế cho thấy cử tri cả nước chưa thực sự yên tâm về tình hình kinh tế xã hội 2012.

Trong 7 chỉ tiêu không đạt của kế hoạch 2011, phần lớn đều là những vấn đề hệ trọng với nền kinh tế. GDP chỉ tăng 5,89% thấp hơn nhiều mức tăng 6,78% năm trước. Trong khi vốn ngân hàng vẫn là nguồn quan trọng nhất nuôi dưỡng nền kinh tế thì tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 12,37% (kế hoạch 15-16%), còn dư nợ tín dụng chỉ tăng 14,41% (kế hoạch giao là dưới 20%). Bước sang 2012, tăng trưởng GDP tiếp tục thụt lùi so với năm trước, quý I chỉ đạt 4% trong khi mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,57% và 2010 là 5,84%. Dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ, rất đáng lo ngại. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, vì vậy Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Vì nếu GDP giảm sút thì số thất nghiệp sẽ rất tăng. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%%, nhưng có thể đạt 5,5-6%

Với các vấn đề xã hội, có các ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ có nhiều màu hồng, nhưng vì chưa nêu bật và đánh giá sâu sắc thực trạng các vấn đề xã hội đang nảy sinh, nên chưa thể khiến cử tri cả nước yên tâm hoàn toàn; lòng tin của người dân giảm sút sau hàng loạt vụ việc kiểu Vinashin, Vinalines. Vụ Tiên Lãng chậm giải quyết, rồi những vấn đề nảy sinh khi cưỡng chế đất Văn Giang cũng khiến dư luận bức xúc.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng Đề án còn quá sơ sài, chưa đủ cơ sở, dữ liệu để ủng hộ, cần đầu tư thêm trước khi Quốc hội phê chuẩn. Theo Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết các nguyên nhân nêu trong Đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.

Thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến cho rằng, đề án còn quá sơ sài, chưa hoàn thiện và mới chỉ là “bản phác thảo ban đầu”. Các giải pháp Chính phủ nêu ra còn khá chung chung, giống với mục tiêu chung. Đề án cần chỉ ra cái cụ thể phải làm, nguồn lực ở đâu để thực hiện, thậm chí cần có chỉ tiêu định lượng để đo lường chất lượng tái cơ cấu. Xây dựng Đề án phải xuất phát từ thực tiễn kinh tế-xã hội, điều kiện tài nguyên thiên nhiên và lợi thế của Việt Nam. Lợi thế nông nghiệp và bờ biển đẹp, dân số đông với ưu thế hướng về nội địa chưa được tận dụng. Ngược lại thế giới lại hướng về thị trường hơn 86 triệu dân của ta. Tái cơ cấu phải dựa trên nguồn lực, tài nguyên, thế mạnh thì nguồn lực này mới khả thi

Nói chung, đa phần tập trung cho rằng, các nội dung của Đề án chưa đạt yêu cầu, còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa có phân tích sâu sắc thực trạng nên chưa thể đề ra các mục tiêu ngắn và dài hạn sát thực tế, hiệu quả.

Về tái cấu trúc tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến nhấn mạnh, muốn tái cơ cấu trước tiên phải minh bạch, để từ đó thu hút được sức mạnh của nhà đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là tư nhân đang nhìn vào đó như một tấm gương. Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp, có ý kiến thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, các doanh nhân xứng đáng là người lính cụ Hồ, nhưng nhiều yếu tố khó khăn khiến họ phải “buông súng” và kéo theo là hàng ngàn người mất việc. Vậy lộ trình cụ thể trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện hiệu quả hơn.

Sau khi thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phần cuối buổi chiều, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Mai Anh