Trong thư gửi về tòa soạn, bà Tính trình bày: Năm 1980 bà có mua của ông Nguyễn Văn Thành một căn nhà và khoảnh đất nằm bên đường quốc lộ dài 10m, sâu khoảng 30m, có cổng và lối vào ở thửa đất liền kề dài 5m, sâu 15m. Sau một thời gian sử dụng, căn nhà bị hư hỏng, bà Tính bỏ công sức phát quang thửa đất này làm sân và chuẩn bị dựng lại căn nhà. Gia đình ông Vũ Văn Thường ở kế bên thấy bà Tính san đất phát hoang mất nhiều công sức đã cho bà Tính mỏm đất cao cạnh đó của gia đình ông (thửa đất này rộng 5m, sâu 11m). Khi đó ông Thường có nói: "Đất của Tổ quốc thì cháu cứ làm, ở gần nhau thì đừng cãi nhau".

Sau đó bà Tính đã đổi lại cho gia đình ông Thường một mảnh đất ở phía sau, rộng gấp 2 lần mảnh đất mà ông Thường đã cho bà Tính. Mảnh đất này hiện nay con gái ông Thường đang sử dụng. Lúc bấy giờ đất đai rộng rãi, lại chưa có giá trị như bây giờ nên việc xin cho cũng chẳng có giấy tờ gì, chỉ là thỏa thuận miệng. Bà Tính có dựng một căn nhà trên phần đất ông Thường đã cho để ở. Sau khi Luật Đất đai được ban hành năm 1993, chính quyền địa phương có kế hoạch làm giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Nhưng căn nhà và phần đất phía ngoài nhà bà Tính nằm trong chỉ giới đường quốc lộ nên không được làm sổ đỏ. Chỉ giới tính từ đường vào 10m, phần đất này sẽ không được đền bù nếu Nhà nước có quy hoạch mở rộng đường. Bà Tính chỉ làm giấy tờ cho mảnh đất ở phía bên trong (sau 10m tính từ đường mặt đường).

Bẵng đi hơn 20 năm, gần đây ông Thường lại muốn đòi lại phần đất mình đã cho bà Tính ngày trước, yêu cầu bà Tính phải dỡ nhà, chuyển đi chỗ khác để trả lại đất cho mình. Không muốn để xảy ra tranh chấp cãi vã làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, bà Tính cũng đồng ý dỡ nhà đi chỗ khác để trả lại đất cho ông Thường và cũng không đòi lại mảnh đất phía trong đã dùng để đổi cho gia đình ông Thường ngày trước.

Tưởng làm như vậy có thể giải quyết vấn đề một cách êm thấm, nhưng vẫn chưa hài lòng, ông Thường lại tiếp tục đòi thêm cả thửa đất bên cạnh (rộng 5m, sâu 15m) vốn là phần sân có cổng ra vào và lối đi dẫn vào căn nhà cũ mà bà Tính mua của ông Thành từ năm 1980.

Không thể chấp nhận một chuyện quá vô lý như vậy, bà Tính đã nhiều lần viết đơn đề nghị chính quyền địa phương đứng ra bảo vệ lẽ phải nhưng cho đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Còn gia đình ông Thường vẫn liên tục gây áp lực buộc bà Tính phải giao lại mảnh đất của bà cho gia đình ông. Trong khi đó thửa đất này nằm trong chỉ giới quốc lộ của Nhà nước, ông Thường cũng không có bất kỳ một loại giấy tờ nào cả.

Sau nhiều năm sử dụng, hiện nay căn nhà hai mẹ con bà Tính đang ở đã hư hỏng, dột nát nhiều. Nhưng cứ lần nào bà Tính định sửa lại căn nhà thì gia đình ông Thường lại kéo nhau sang cản trở. Nhà bà Tính chỉ có hai mẹ con côi cút (chồng bà Tính đã mất từ năm 1979).

Sửa lại nhà để ở thì gia đình ông Thường không cho, trả lại đất để dựng căn nhà khác sống tạm gia đình ông cũng không chịu, hai mẹ con bà Tính đang lâm vào thế bế tắc, muốn ở lại thì không được mà chuyển đi cũng không xong. Sống trong căn nhà của mình đã hơn 20 năm, trong suốt thời gian đó bà Tính luôn đóng các loại thuế đầy đủ nhưng bây giờ lại đứng trước nguy cơ mất trắng phần tài sản do mồ hôi công sức của mình gây dựng được mà cũng chẳng biết kêu ai.

Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khẩn trương xem xét, giải quyết trường hợp của bà Đoàn Thị Tính, bảo vệ tài sản và quyền lợi chính đáng cho người dân, đem lại niềm tin cho gia đình bà Tính và nhân dân địa phương.

BAN BẠN ĐỌC