Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là văn bản rất có ý nghĩa cho nền quản trị công, đặc biệt là quản trị nhân lực công.

Khi việc miễn nhiệm và từ chức có thể diễn ra dễ dàng, thông suốt, thì chất lượng nhân lực công chắc chắn sẽ được nâng cao. Chất lượng nhân lực công được nâng cao, thì chất lượng quản trị công cũng sẽ được nâng cao tương ứng. Rất nhiều nội dung trong Quy định 41-QĐ/TW liên quan đến chế độ trách nhiệm chính trị.

Vậy chế độ trách nhiệm chính trị là gì? Xin phân tích từ một ví dụ cụ thể là Dự án xe buýt BRT của Hà Nội.

Tháng 7-2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về một số sai phạm của Dự án BRT của Hà Nội và khẳng định dự án này chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Như vậy, có hai vấn đề đặt ra đối với Dự án BRT: 1. Có sai phạm; 2. Không đạt hiệu quả. Xử lý trách nhiệm của những người để xảy ra sai phạm là không khó. Nhưng xử trách nhiệm của những người đã quyết định triển khai một dự án không đạt hiệu quả lại khó rất nhiều, thậm chí là không xử được! Mặc dù, chế độ trách nhiệm đối với những người để xảy ra sai phạm trong quá trình triển khai Dự án BRT là chế độ trách nhiệm pháp lý. Và chế độ trách nhiệm đối với những người quyết định triển khai một dự án kém hiệu quả như Dự án BRT là chế độ trách nhiệm chính trị.

Mặc dù, chế độ trách nhiệm pháp lý vẫn có thể được áp đặt cho những người đã ban hành quyết định triển khai dự án BRT, nếu như những người này nhận hối lộ để quyết định một dự án như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc áp đặt chế độ trách nhiệm là dễ dàng.

Vì hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra và hoàn toàn có thể chứng minh được. Vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều, khi Dự án được quyết định triển khai chỉ vì những người ban hành quyết định không đủ giỏi hoặc không thấy trước hết bối cảnh kinh tế - xã hội của thành phố. Trong trường hợp này, chế độ trách nhiệm chính trị cần phải được áp đặt.

Chế độ trách nhiệm chính trị thường được áp đặt thông qua Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân. Ở nước ta hai hình thức cơ bản để áp đặt chế độ trách nhiệm này là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ, thông thường vào giữa nhiệm kỳ. Bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành khi có 20% các đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân đề nghị.

Hội đồng Nhân dân T.P Hà Nội có thể bày tỏ sự tín nhiệm đối với các quan chức đã thúc đẩy và quyết định việc triển khai Dự án BRT vào giữa nhiệm kỳ hoặc theo đề nghị của 20% các đại biểu. Tất nhiên, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm là một quy trình chính trị.

Trong trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, các quan chức có liên quan sẽ được quyền giải trình trước Hội đồng tại sao họ quyết định triển khai một dự án như vậy. Họ cũng có thể phản biện lại kết luận của Thanh tra về việc Dự án không đạt hiệu quả mong đợi bằng những số liệu và phân tích của mình.

Cuối cùng, quan trọng là với những giải trình như vậy, họ có thuyết phục được các đại biểu Hội đồng hay không và có còn được các đại biểu Hội đồng tín nhiệm nữa hay không.

Nếu kết quả bỏ phiếu cho thấy họ bị bất tín nhiệm (có dưới 50% số phiếu tín nhiệm) thì họ buộc lòng phải từ chức. Nếu ngược lại, họ vẫn được tiếp tục giữ chức vụ của mình. Đối với chế độ trách nhiệm chính trị, người ta không căn cứ vào chuyện đúng hay sai, mà căn cứ vào chuyện còn được tín nhiệm hay không để quyết định.

Chế độ trách nhiệm chính trj cũng có thể được xác lập ở mức độ nhẹ hơn. Đó là việc Hội đồng có thể chất vấn và ban hành nghị quyết phê bình, nhắc nhở các quan chức đã ban hành quyết định. Nếu một nghị quyết như vậy được thông qua, thì các quan chức có liên quan sẽ khó còn đủ uy tín để tiếp tục nắm giữ chức quyền của mình. Và thông thường đây là sức ép quan trọng để họ từ chức.

Rất tiếc, ở nước ta việc Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức đã được quy định, nhưng thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm còn rất khó khăn, nên trên thực tế, việc này còn chưa triển khai được.

Để Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, nên chăng cần tháo gỡ những khó khăn về thủ tục để việc bỏ phiếu tín nhiệm và thông qua nghị quyết phê bình, nhắc nhở có thể được triển khai dễ dàng hơn ở Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng