Một người bệnh được đưa lên xe cấp cứu tại Bệnh viện Brooklyn, New York ngày 27-3.

Ngày 27-3, một cuộc điện đàm xuyên Thái Bình Dương đã được thực hiện giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Cuộc đàm thoại không phải về thương chiến Mỹ - Trung, cũng chẳng phải vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay vấn đề nóng bỏng nào khác mà là hợp tác chống Covid-19, kẻ thù chung vô hình của cả thế giới hiện nay.

Hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất là sự lựa chọn duy nhất nhưng cuộc điện đàm chỉ được thực hiện khi hơn nửa triệu người trên thế giới đã dương tính với SARS-CoV-2, hơn 30.000 người thiệt mạng và gần 200 nước trên thế giới có ca nhiễm. Đặc biệt, ông Trump chỉ chịu nhấc máy gọi khi Mỹ đã đứng đầu danh sách số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu và đang đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát cao hơn trong khi khả năng đáp ứng y tế đang cạn kiệt.

Ông Trump là người nhanh chóng thông báo về nội dung cuộc điện đàm. Tuy chẳng đưa ra chi tiết cụ thể nào nhưng tín hiệu về việc hai bên bắt tay chống Covid-19 đã được thể hiện rõ. Ông viết trên Twitter: "Trung Quốc đã trải qua nhiều điều và đã có sự hiểu biết rõ về virus. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau". Đó là một tin tốt. Tốt hơn nữa là ông Trump không còn dùng từ “virus Trung Quốc” để nói về Covid-19, cụm từ khiến hai cường quốc đấu khẩu suốt hai tuần qua trong khi Covid-19 ra sức hoành hành.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đưa thông tin chi tiết hơn khi cho biết trong cuộc điện đàm Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đại dịch Covid-19 không phân biệt các quốc gia hay chủng tộc và là kẻ thù chung của nhân loại, do đó cộng đồng quốc tế cùng chung sức mới có thể dập dịch. Đặc biệt, cũng trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ lo ngại và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ và khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong việc ứng phó với dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kỳ vọng Mỹ sẽ có hành động thực chất để cải thiện quan hệ song phương, nhấn mạnh hợp tác giữa hai quốc gia là sự lựa chọn duy nhất.

Chẳng phải đơn giản khi Washington đang cạnh tranh quyết liệt với Bắc Kinh trên nhiền lĩnh vực thì lại phải “alo” tìm sự trợ giúp. Hợp tác giữa các quốc gia để cùng chống các bệnh truyền nhiễm toàn cầu vốn là cách làm truyền thống lâu nay nhưng lần này nó chỉ được Mỹ áp dụng khi dường như Mỹ cảm thấy tự mình không giải quyết được vấn đề của riêng mình. Người ta vẫn ví nước Mỹ là “người khổng lồ đang ngủ” và không nên đánh thức. Quả vậy, Mỹ đã chứng tỏ sức mạnh của mình khi được đánh thức trong thế chiến thứ nhất và thứ hai. Thế nhưng, lần này “giặc” lại tấn công trực tiếp trên đất Mỹ, loại giặc mà bom nguyên tử, tên lửa hành trình hay các loại vũ khí quân sự tối tân đều “bó tay” vì chẳng biết bắn vào đâu. Do đó, hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia khác để cùng diệt Covid-19 đúng là lựa chọn duy nhất khi sức mạnh kinh tế, khoa học công nghệ… của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được kết hợp.

Có được hợp tác, ắt hẳn phải có nhượng bộ. Tuy nội dung của cuộc điện đàm không được công bố nhưng Mỹ sẽ là bên chủ động đưa ra thỏa hiệp bởi không ai khác, Mỹ đã là bên chủ động đẩy Trung Quốc vào cuộc chiến thương mại và gây sức ép với Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác. Các nước nhỏ thường quan sát cái bắt tay của các nhà lãnh đạo nước lớn. Cái bắt tay cao cả vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung thì tốt cho nhân loại nhưng nếu họ chỉ hợp tác vì quyền lợi của mình và thỏa hiệp trên lưng người khác thì đó là điều đáng quan ngại.

Ngọc Hưng