Con dao găm của liệt sĩ Tạ Kiên được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.

Tạ Kiên sinh năm 1927, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con; sớm tham gia phong trào du kích chống thực dân Pháp. Đầu năm 1946, Tạ Kiên được chọn vào Đội Nghĩa quân - đơn vị chủ lực đầu tiên của bộ đội địa phương Bắc Ninh. Cuối năm 1927, Đội Nghĩa quân được điều động về một đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng; nhưng Tạ Kiên được giữ lại để xây dựng Đại đội 862 - về sau phát triển thành Tiểu đoàn Thiên Đức của tỉnh Bắc Ninh.

Vốn là người có ý chí, thể lực và năng lực quân sự tốt, Tạ Kiên được cử đi học lớp Quân chính Bắc Môn khóa I. Ra trường, ông lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ từ Tiểu đội trưởng lên Đại đội trưởng. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều trận đánh của đơn vị do ông chỉ huy đã làm cho kẻ địch khiếp sợ, đồng đội và nhân dân nức lòng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử của Tiểu đoàn Thiên Đức đã ghi nhận nhiều trận đánh tiêu biểu của Đại đội 551 do người Đại đội trưởng tài năng, dũng cảm Tạ Kiên chỉ huy:

Ngày 25-2-1949, quân Pháp dùng một binh đoàn chủ lực, chia làm nhiều mũi tiến công nhằm mở rộng vùng chiếm đóng. Đại đội 551 do Tạ Kiên chỉ huy đã chặn đánh quyết liệt địch ở địa phận Tiêu - Viềng (Lư - Vĩnh - Xuyên); tiêu diệt và bắt sống gần 100 tên; thu 1 trung liên, 1 tiểu liên và nhiều súng trường… Trận đánh có sức cổ vũ lớn đối với phòng trào chiến tranh du kích ở Bắc Ninh và vùng xung quanh; nhân dân vô cùng tin tưởng, phấn khởi ăn “Tết chiến thắng”.

Tháng 1-1950, trên quốc lộ 18, Tạ Kiên chỉ huy Đại đội “độn thổ” phục kích một đơn vị bảo an địch đi tuần; dùng dao găm, mã tấu… tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu vũ khí.

Tháng 1-1951, nhận lệnh tiêu diệt bốt Mão Điền (Thuận Thành) - một vị trí rất kiên cố, lực lượng hùng hậu, khống chế một địa bàn rộng; trong khi vũ khí trang bị của Đại đội 551 lại rất nghèo nàn, thô sơ. Tạ Kiên đã cùng Ban Chỉ huy đại đội bàn bạc kỹ, điều nghiên cẩn trọng, lập sa bàn… chọn cách đánh là đánh gần; dùng lựu đạn, dao găm, mã tấu… để tiêu diệt địch. Trận đánh diễn ra trong đêm tối. Sau tiếng nổ dữ dội của hai quả bộc phá làm mảng lô cốt chính vỡ tung, toàn Đại đội dưới sự chỉ huy của Tạ Kiên nhất loạt xông vào đồn. Sau một giờ chiến đấu vô cùng dũng cảm, toàn bộ địch ở bốt Mão Điền bị tiêu diệt. Trận đánh diễn ra như một cuộc diễn tập.

Năm 1952, Đại đội 551 lập được nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu là trận chống càn tại xã Hán Quảng (huyện Quế Võ). Lần đó, địch mở cuộc càn Tuếccô - Pôlô với 7 GM bộ binh (tương đương 7 trung đoàn) được xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ, hòng phá vỡ căn cứ du kích của các huyện Tiên Du - Quế Dương - Võ Giàng. Đại đội 551 đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân xã Hán Quảng đánh địch quyết liệt, quấy rối hậu phương của chúng, phá vỡ thế vây ráp; đồng thời luồn sâu vào trong lòng địch ở thị xã Bắc Ninh, Thị Cầu, Đáp Cầu, buộc quân địch phải phân tán lực lượng đối phó, bỏ giở cuộc càn, không thực hiện được âm mưu phá vỡ vùng căn cứ du kích của ta.

Ngày 28-2-1953, Đại đội 551 hành quân về Yên Từ, Trung Nghĩa (huyện Yên Phong) phối hợp cùng nhân dân địa phương chuẩn bị phương án bảo vệ nhân dân đón Tết Quý Tỵ. Đúng như dự đoán của ta, quân Pháp mở cuộc càn lớn chưa từng có vào vùng du kích Yên Từ. Mờ sáng, địch đã bắn liên tục đại bác, súng cối và cho máy bay oanh kích giữ dội vào làng. Đồng thời cùng với 3 GM bộ binh là nhiều xe tăng, xe lội nước yểm trợ hùng hổ tiến vào hai làng Yên Từ, Ân Phú thuộc xã Phú Lâm theo ba hướng: Quốc lộ 1, đường 16 và đường 179 lên.

Trong thế bất lợi về địa hình và lực lượng quá chênh lệch, Đại đội 551 do Tạ Kiên chỉ huy được nhân dân và du kích hộ trợ đã chiến đấu hết sức mưu trí, kiên cường suốt từ sáng đến chiều tối, đánh bật 5 đợt tiến công của địch, cho đến khi quân ta hết đạn thì địch mới tràn được vào làng. Từ đó, cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra vô cùng ác liệt bằng dao găm, lưỡi lê, báng súng… Cả hai phía đều bị tổn thất nặng nề. Mặc dù bị thương, nhưng Tạ Kiên vẫn chỉ huy, động viên bộ đội chiến đấu và trực tiếp diệt địch; cùng Đại đội đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Nhưng rồi, một quả đạn cối của địch rơi đúng vị trí Tạ Kiên đứng chỉ huy bộ đội chiến đấu. Anh gục xuống, hy sinh, trong khi một tay còn nắm chắc khẩu súng ngắn đã hết đạn và tay kia là con dao găm còn dính máu kẻ thù.

CCB Vũ Quang - nguyên Bí thư Thị ủy Bắc Ninh (là Chính trị viên Đại đội 551 cùng thời đồng chí Tạ Kiên làm Đại đội trưởng) sau này nhớ lại: Sáng ngày 18-2-1953, quân Pháp mở cuộc càn quy mô lớn vào làng Yên Từ, trong khi cán bộ Đại đội 551 chỉ mỗi đồng chí Tạ Kiên ở nhà. Đồng chí đã chỉ huy Đại đội chiến đấu cản địch và hy sinh đến người cuối cùng. Gương chiến đấu vô cùng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 551 và đồng chí Tạ Kiên được nhân dân địa phương vô cùng cảm phục, còn kẻ địch hết sức khiếp sợ.

Trung tướng Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Chính trị, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Thiên Đức nhận xét: “Trên các cương vị trong cuộc chiến đấu gian khổ ở vùng địch tạm chiếm, đồng chí Tạ Kiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị rất tin cậy. Tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh của đơn vị và đồng chí đã trở thành nguồn động viên rất lớn ý chí chiến đấu của cả Tiểu đoàn Thiên Đức… Cuộc chiến đấu của Đại đội 551 và tài năng, đức độ, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm vô song của liệt sĩ Tạ Kiên vẫn sống mãi trong tâm tưởng và tình cảm của đồng đội và nhân dân vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Con dao găm là kỷ vật quý giá của liệt sĩ Tạ Kiên đã được gia đình lưu giữ và được tặng lại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của quân và dân Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Đại tá, Anh hùng LLVTND, TTƯT Tạ Lưu