Con người khi được sinh ra trên cõi đời này ai không có bố, nhưng có điều may rủi, hạnh phúc hay là bất hạnh, mỗi người mỗi khác nhau. Có người thượng thọ vẫn còn bố, được gọi bố. Có người thơ dại đã mất bố nên về sau không còn hình dung nổi được bố mình. Có người mất bố ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Lại có người không bao giờ biết bố mình là ai…! Tôi là số những người hạnh phúc có bố, ngoài 40 tuổi còn được bố nhắc nhủ dặn bảo và bố tôi luôn là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo người. Có biết bao tình cảm, kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên của tôi với bố mấy chục năm qua. Song tôi nghĩ lần đầu tiên tôi được gặp bố, bên bố với tôi là một kỷ niệm sâu đậm nhất.

Đầu năm 1979, lúc ấy tôi còn bé lắm, mới hơn hai tuổi, mới biết nói sõi, mới biết đi và chạy lon ton. Một buổi chiều, gần tối bố từ biên giới tỉnh Cao Bằng được nghỉ phép tranh thủ về nhà. Cả nhà mừng rỡ, ấy là bà nội và mẹ tôi. Hẳn là lần đầu tiên bố được nhìn tôi nên bố đứng sững ngắm nghía khá lâu. Bà nội và mẹ tôi đều bảo: - Bố con đấy, ra để bố bế. Lúc này bố tôi cởi ba lô, bỏ mũ giang tay ra đón tôi, nhưng tôi nhìn thấy người lạ hoắc, quần áo cũng lạ hoắc (quần áo bộ đội mà), không khóc thét nhưng tôi chạy sà vào lòng mẹ, quay đầu lại nhìn người “lạ hoắc” không chớp mắt.

Dù cho bà nội và mẹ tôi dỗ, nịnh thế nào đi nữa tôi cũng không nói, không gọi một câu “Bố ơi!”. Buổi tối đầy nhà bà con trong xóm đến chơi ăn trầu, uống nước, tôi vẫn ở lòng mẹ trân trân nhìn “người lạ”.

Sáng hôm sau, bà và mẹ tôi đi làm đồng. Chỉ còn bố và tôi ở nhà. Lạ thế, tôi không khóc. Bố cứ hỏi tôi hết câu nọ đến câu kia ngắn gọn, các đồ vật trong nhà bố chỉ và hỏi tôi là cái gì. Tôi không nói câu nào với bố nhưng bố vẫn hỏi rồi bố trả lời. Rồi bố hát cho tôi nghe nào là “Con cò bay lả bay la”, “Con cò con vạc con nông”… nhiều bài lắm. Đến gần trưa không biết thế nào bố dỗ được tôi trèo lên lưng bố cưỡi trâu nhoong nhoong. Tôi khoái quá cười ngất nhưng vẫn không hề nói với bố. Sang ngày thứ ba, cũng vẫn hai bố con tôi ở nhà chơi với nhau. “Tình hình” được “cải thiện” rõ rệt. Tôi mở miệng gọi: - Chú ơi! Thấy tôi giơ tay với với, bố tôi cười tươi lắm và cúi xuống, tôi bám cổ “chú”. Bố cõng tôi đi khắp xóm. Từ lúc ấy tôi liên tục gọi “chú”. Nhà tôi có ông chú là em ruột của bố tôi, chú hay bế và cõng tôi lắm. Vả lại tôi đã biết bố, được ở bên bố bao giờ đâu mà “Bố ơi!”. Bà nội, mẹ tôi “huấn luyện” liên tục mà sao tôi vẫn chưa biết gọi bố. Có lẽ ngày ấy tôi còn bé quá. Gọi thì vậy nhưng thôi cứ theo dịt bố tôi suốt ngày. Lúc buồn ngủ mắt đã hơi lim dim, tôi luôn thỏ thẻ: “Chú ơi, con cò con vạc…”Thế là bố tôi lại trổ tài tay gối đầu cho tôi, trên võng hát ru ca dao hết bài này đến bài khác. Sau này những đứa con của anh em chúng tôi đều được ông hát ru ngủ như thế, đứa nào cũng “nghiện” ông ru.

Đúng ngày thứ sáu bố tôi ở nhà, cả nhà “động viên”, đặc biệt là bố “tác nghiệp”, tôi mới bật ra câu đầu tiên: - Bố. Tôi làm sao hình dung và mô tả được nỗi niềm của bố tôi lúc ấy? Và, có lẽ cũng không  nhiều người, nhất là những người lính có chuyện kỷ niệm sâu sắc như chuyện của bố con chúng tôi.

Tôi biết gọi, Bố đúng một ngày thì sang ngày thứ bảy, cũng là ngày bố tôi hết phép, buổi sáng trở lại đơn vị trên Cao Bằng. Cả nhà bịn rịn. Khi bố tôi khoác ba lô, đội mũ bảo tôi: - Con ngoan nhé, mai kia bố lại về với con. Tôi nhoài khỏi tay mẹ khóc rinh lên gọi bố, bố ở nhà với con… Mẹ tôi nén lau nước mắt. Bố quay lại bế tôi lên, mắt bố hoe đỏ, giọng ngàn ngạt: - Ngoan nào con, hôm nào về bố mua cho con nhiều kẹo… Bố thơm má tôi. Trên má tôi đầm đìa nước mắt, lúc ấy (đến nay tôi vẫn nhớ) có thêm những giọt nước nóng ấm mới hòa vào.

Nguyễn Văn Thiện