CCB huyện Vĩnh Bảo và xã Thắng Thủy tham quan mô hình nuôi cá lồng trên sông của CCB Nguyễn Duy Thủy.

Đã bao lần CCB Nguyễn Duy Thủy ngắm dòng sông Luộc dài hơn 10km chảy qua xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, T.P Hải Phòng) quanh năm xanh mát, ông ấp ủ ý định phát triển kinh tế nhờ dòng sông. Một lần, có đồng đội mách mô hình nuôi cá trên sông ở Gia Lâm (Hà Nội), ông khăn gói lên tận nơi, ăn nghỉ 20 ngày tại cơ sở nuôi cá lồng để học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn.

Với quyết tâm cao, ông chuyển gia đình ra gần khu vực chân sông Luộc đầu tư làm bè thả cá thương phẩm trên sông. Công việc tưởng chừng như đã quyết là làm được ngay, nhưng “cái khó lại bó cái khôn”. Điều khó khăn nhất với ông là vượt qua được sự không đồng thuận của vợ và các con: “Đầu tư thả cá trên sông có mà trắng tay”, “Quăng tiền ra sông liệu có thu về được không?”...

Khó khăn, thử thách chỉ càng làm tăng thêm ý chí của người lính cựu đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ. Dòng sông không phụ lòng người. Từ số tiền vay 40 triệu đồng thuộc chương trình tạo việc làm của Ngân hàng CSXH, đến nay, gia đình đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng, phát triển 18 lồng nuôi cá trắm, cá lăng. Riêng năm 2019, với khoản đầu tư giống vốn gần 1 tỷ đồng, gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gia đình đang dưỡng đàn cá trắm, cá lăng ước lượng khoảng 10 tấn, dự kiến xuất ra thị trường vào dịp Tết Tân Sửu - 2021 với số tiền lãi dự kiến 500 triệu đồng.

Cùng với đầu tư lồng bè thả cá trên sông, CCB Nguyễn Duy Thủy chuyển đổi đất nông nghiệp lấy đất chân sông Luộc với diện tích gần 5 sào Bắc Bộ để trồng rau màu, củ, quả, chăn thả gia súc, gia cầm (lợn, gà, ngan, vịt, dê...). Ông làm chuồng trại sạch sẽ, kê cao sàn, ấm đông, mát hè, do vậy vật nuôi ít bị bệnh tật, phát triển tốt.

Trực tiếp được gặp gỡ, “thực mục sở thị” CCB Nguyễn Duy Thủy tích cực tìm tòi đầu tư thả cá lồng thương phẩm trên sông để phát triển kinh tế, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình và xã hội... mới biết được những người lính Cụ Hồ năm xưa xông pha trận mạc, trở về quê hương lại đau đáu nỗi niềm làm thế nào để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, phát triển kinh tế bền vững trên mảnh đất quê hương.

Trần Quốc Huy