Theo anh lên đồi rừng tham quan, trước mắt tôi là cả một cánh rừng bạt ngàn với trên 10.000 cây gỗ quý và cây ăn quả; trong đó có 7.000 cây huỳnh, 1.000 cây sao, còn lại là bời lời và sơn trà. Đi trong rừng đang khép tán, mát rượi, nhìn những cây sao đều và thẳng, cao từ 15-20m, đường kính từ 30-40cm, giữa mùa mưa mà không có cỏ dại, dây leo. Bí quyết trồng cây của anh Thắng là mật độ trồng vừa phải, không dày quá mà cũng không thưa quá. Như vậy khi lớn lên cây mới thẳng, khi cây giao cành, khép tán thì ở dưới đất rễ cây cũng đan kín, hạn chế cây và cỏ dại sinh sống. Rừng cây bảo vệ môi trường, giữ được nước ngầm, hạn chế rửa trôi, lở xói trong mùa lũ… Theo ước tính, đến năm 2050 tiền bán cây sẽ đạt 65 tỷ đồng. Nói vậy thôi, anh Thắng không có ý định bán cây. Anh nói: Cây mình trồng ra giống như đứa con tinh thần, bán đi tiếc, nhớ lắm. Mà giữ lại rừng cây làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đời mình không làm được thì đời con, đời cháu sẽ làm.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, CCB Mai Quyết Thắng còn tham gia nhiều công tác ở địa phương như Trưởng ban Nông nghiệp, Phó chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình An; ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh cùng chị Lượt, vợ anh, nuôi dạy 5 người con khôn lớn, trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, Mai Quyết Thắng đã vượt lên những khó khăn trở ngại để có một kỳ tích là rừng cây đầy hứa hẹn. Giống như tên anh “Quyết Thắng”.
Nguyễn Văn Nhã