Ngày 22/8/2009, lực lượng cảnh sát môi trường (PC 36 Công an tỉnh Hà Nam) đã kiểm tra tại Chi cục Kiểm lâm Hà Nam và đã lập biên bản việc cán bộ chi cục tổ chức chích hút mật của hai cá thể gấu ngựa đang nuôi nhốt tại đây. Hành vi chích hút mật gấu đã được ông Du thừa nhận và hai cá thể gấu được yêu cầu chuyển về Trung tâm cứu hộ gấu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Loay hoay tìm cách xử lý
Theo ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ - PC 15 cho biết, năm 2002, lực lượng liên ngành Hà Nam đã bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 2 con gấu trên địa bàn. Sau đó, chúng được đưa về nuôi nhốt tại Chi cục Kiểm lâm Hà Nam đến khi xảy ra việc chích hút lấy mật của ông Du bị phát hiện.
Ngày 5/32010, PV Báo CCB VN đã làm việc với ông Kiều Hữu Bình, Giám đốc sở NN & PTNT Hà Nam, được biết, “2 con gấu đã được nuôi từ gần 10 năm nay, kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn hành chính của Kiểm lâm Hà Nam nên anh em chi cục có nhìn nhận hút vài cc mật để bù lại công chăm sóc chứ không phải để kinh doanh”.
Phó giám đốc sở Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Xét về góc độ nghề nghiệp, luật pháp và đạo đức là không cho phép, là vi phạm. Nhưng chúng tôi cho rằng, các văn bản pháp luật cũng như quy định của Bộ NN&PTNT để xử lý lại không quy định rõ ràng, nên đến nay, cơ quan chức năng cũng như Sở NN&PTNT Hà Nam chưa biết áp vào đâu để xử lý”. Ông còn lý giải thêm: Trong quy định của Bộ NN&PTNT trước quy định cấm hút mật gấu, nhưng sau không hiểu sao lại bỏ và chỉ có quy định xử lý về hành vi buôn bán, vận chuyển. Ông Du tổ chức chích hút để dùng, khó có thể quy vào tội buôn bán.
Làm việc với PV Báo hôm 18/3 vừa qua, ông Du thừa nhận, sau khi bị PC36 phát hiện, lập biên bản, ông đã mang một ít mật gấu chích được đem biếu một số lãnh đạo Sở NN&PTNT để báo cáo sự việc. Ngay ông Hùng cũng được biếu 4cc.
Về việc đã lâu không xử lý vụ việc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Sau khi lập biên bản, quá trình làm rõ các nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ NN&PTNT, không thấy có quy định về chích hút mật gấu. Hiện Công an tỉnh đang tiếp tục xem xét còn quy định nào về trường hợp vi phạm trong nuôi nhốt gấu không để tiến hành xử lý. Nếu không tìm thấy thì vẫn chuyển về Sở NN&PTNT để xử lý hành chính.”
Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, gấu được xếp nhóm IB, nhóm động vật rừng hoang dã quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Chỉ thị 3417.CT-BNN-KL năm 2009 của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ cần tập trung vào: “Thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong quản lý động vật hoang dã (kể cả sản phẩm, dẫn xuất của chúng) và hoạt động gây nuôi đông vật hoang dã đến người dân; vận động cán bộ, công chức và nhân dân không vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã không rõ nguồn gốc hợp pháp…” Còn Thông tư số 90/2008/TT-BNN của Bộ NN&PTNT hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu: “tang vật là động vật rừng còn sống thuộc nhóm IB sẽ được xử lý hoặc thả về tự nhiên, hoặc chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật; chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở gây nuôi động vật hợp pháp theo quy định của Pháp luật”. Không có điều khoản nào cho phép cơ quan chức năng sau khi tịch thu tang vật là động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm được nuôi nhốt.
Theo điều 190 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm”
Từ những trích dẫn văn bản trên, dư luận cho rằng, không thể nói chưa tìm ra quy định, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi tổ chức chích hút mật gấu của ông Du.
Lập “Quỹ đen” bị .. phạt cảnh cáo?
Bên cạnh hành vị chích hút mật gấu trên, ông Trần Đình Du còn lập “Quỹ đen” trái phép. Vụ việc này đã được Công an Hà Nam điều tra và kết luận. Phó trưởng phòng PC15 Công an Hà Nam Trần Văn Hòa cho biết, ngày 23/6/2009, UBND Hà Nam đã có văn bản giao Sở Tài chính Hà Nam và Chi cục Kiểm lâm Hà Nam lập Hội đồng thẩm định bán đấu giá 9,296 m3 gỗ bị bắt giữ qua các thời kỳ từ năm 2006 đến 2009. Trong đó chủ yếu là gỗ trắc, gỗ sưa và gỗ sơn huyết. Tại phiên bán đấu giá, có 5 người tham gia. Ông Nguyễn Xuân Nhân, một doanh nhân chuyên sản xuất đồ gỗ tại Hà Nội trúng thầu với giá 182,5 triệu đồng. Tuy phiên đấu giá không đủ thành viên trong hội đồng tham gia, nhưng số gỗ vẫn được bán. Điều đáng nói, người trúng thầu lô gỗ đã “biếu” ông Du 131 triệu đồng. Ông Du chỉ đạo kế toán nhập vào quỹ đời sống của đơn vị. Ông Hòa cho biết thêm: Ông Du khai số tiền đó không phải do doanh nghiệp trúng thầu mua gỗ “biếu” Chi cục sau vụ việc thầu mà đây là tiền “biếu” để sau này khi doanh nghiệp của ông Nhân vận chuyển gỗ từ Lào về, qua Hà Nam sẽ dễ dàng.
Với tội danh “lập quỹ trái phép” ông Du đã bị cơ quan Công an tỉnh Hà Nam kết luận và có văn bản đề nghị sở NN&PTNT xử lý. Mặc dù vậy, sau khi Hội đồng xử lý kỷ luật của Sở NN&PTNT Hà Nam được thành lập, các mức xử lý cán bộ Kiểm lâm mắc sai phảm chỉ dừng ở cảnh cáo đối với ông Du và kế toán trưởng Nguyễn Văn Cường, khiển trách nguyên thủ quỹ Đỗ Mạnh Hùng và phê bình thủ quỹ Đỗ Tiến Dũng. Ngoài ra ông Du còn bị xử lý về Đảng.
Theo giải thích của lãnh đạo sở, do bản than ông Du chưa vi phạm, hành vi lập quỹ đen là lo cho đời sống cán bộ nhân viên cơ quan nên chỉ bị cảnh cáo. Hiện số tiền thu hồi lại mới được khoảng 20 triệu đồng. Số còn lại rất khó thu hồi.

Doanh Chính-Người dân.