Tại Hội nghị Pa-ri lập lại hòa bình năm 1972, sau nhiều lần trì hoãn các bên đã thống nhất họp trở lại vào trung tuần tháng 7. Để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán, lính viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 để tái chiếm Quảng Trị, trong đó Thành cổ Quảng Trị là mục tiêu chủ yếu.
Mỹ - ngụy hạ quyết tâm ngày 10-7-1972 phải cắm bằng được cờ ba que lên thị xã Quảng Trị, nhưng đã bị ta đánh bại. Địch tức tối đưa thêm Sư đoàn thủy quân lục chiến tiến sát sông Vĩnh Định cố chiếm An Tiêm, Nại Cửu, Bích La Đông bao vây Thành cổ Quảng Trị từ hướng Đông - Đông Bắc để hỗ trợ cho Sư đoàn dù từ Quy Thiện, Tri Bưu tiến công ta ở phía Đông thị xã Quảng Trị, đồng thời đưa lực lượng ra Tích Tường, Như Lệ bao vây cắt đường tiếp tế của ta cho thị xã Quảng Trị từ hướng Nam.
Nhiệm vụ của Đại đội 21 (nay là Đại đội 16) Trung đoàn 27 lúc này là cùng Trung đoàn 27 đánh địch, bảo vệ hướng Đông Bắc thị xã Quảng Trị ở Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, An Lộng, Hà My, Bích La Đông, Nại Cửu; cụ thể là: Tăng cường Trung đội 1 cho Tiểu đoàn 1 đánh địch ở khu vực Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, Hà My; đã chiến đấu và bắn rơi 3 máy bay trực thăng HU1A của địch.
Trung đội 2 tăng cường cho Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 đánh địch ở khu vực Nại Cửu, Bích Khê, Chợ Sải; đã bắn rơi 4 máy bay trực thăng H34. Trung đội 3 bảo vệ Sở chỉ huy phía trước của Trung đoàn 27 ở làng Đâu Kênh cùng Sở chỉ huy nhẹ và Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 27 ở làng Bố Liêu; trong đó Khẩu đội 5 bố trí trận địa cạnh ngôi mộ tổ bên chiếc lô cốt do thực dân Pháp xây dựng trên cánh đồng làng Phương Ngạn; Khẩu đội 6 bố trí trận địa tại khu vực Ba Nhà phía Nam làng Phương Ngạn.
Ngày 13-7-1972, địch tổ chức tiến công vào trận địa chốt của Trung đoàn 48 nhưng bị ta đánh bại và tiêu diệt 80 tên. Cũng trong ngày hôm ấy, Đại đội 16 súng máy cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 48 chốt trong Thành cổ bắn cháy một máy bay trực thăng rơi xuống dòng sông Thạch Hãn. Tối hôm ấy, thông qua đài kỹ thuật ta biết được trong chiếc máy bay trực thăng bị bắn rơi có tên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng sư đoàn dù, tên Hùng Phi Hổ chỉ huy pháo binh và 8 sĩ quan tham mưu đi trinh sát địa hình để chỉ huy chiến đấu đều tử trận. Để trả thù ta, ngày 14-7-1972 địch huy động hỏa lực của không quân, hải quân, pháo binh đánh phá hết sức ác liệt thị xã Quảng Trị và các vùng lân cận.
Vào lúc 15 giờ ngày 14-7-1972, một tốp máy bay A7A gồm 4 chiếc đến ném bom xuống làng Bố Liêu - là nơi có Sở chỉ huy nhẹ và Trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn 27. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Quế, tôi (Nguyễn Văn Á - xạ thủ số 1 của Khẩu đội 5) bình tĩnh đưa vào kính ngắm chiếc máy bay đang bổ nhào ném bom xuống làng Bố Liêu bắn một điểm xạ dài, nhưng tên phi công đã kịp thời nghiêng cánh tránh loạt đạn thẳng căng của Khẩu đội 5. Rút kinh nghiệm của lần bắn trước, lần này tôi để cho chiếc máy bay bổ nhào đã ổn định đường bay trước khi cắt bom mới bình tĩnh bắn một điểm xạ vừa. Chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy.
Cháy rồi, chuyển mục tiêu bắn tiếp!
Khẩu lệnh của Trung đội phó Nguyễn Đình Quế lại dõng dạc vang lên giữa trận đánh mịt mù bom đạn. Trận oanh tạc của không quân Mỹ vào làng Bố Liêu chiều hôm ấy đã nhanh chóng kết thúc sau khi 1 chiếc máy bay A7A bị Khẩu đội 5, Trung đội 3, Đại đội 16 bắn cháy tên phi công phải nhảy dù xuống biển.
Vào trung tuần tháng 1-1973, hoạt động của địch ở Quảng Trị có nhiều biến động so với thời gian trước. Trên mặt đất, bộ binh địch ở Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, Hà My, Nại Cửu, Chợ Sải... liên tục tổ chức nhiều đợt tấn công vào trận địa chốt của Trung đoàn 27 để thực hiện âm mưu giành đất, giành dân trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực vào ngày 27-1-1973. Để hỗ trợ cho bộ binh chiến đấu trên mặt đất, địch sử dụng không quân, hải quân, pháo binh chi viện hỏa lực đánh phá rất ác liệt khu vực Bố Liêu, Đại Hào, Phương Ngạn, Đâu Kênh, xóm Triệu, Phù Lưu, Vệ Nghĩa, ngoài sử dụng máy bay chiến thuật và pháo binh đánh phá, địch còn dùng B52 rải thảm, có ngày lên tới 2-3 lần.
Vào lúc 15 giờ ngày 15-1-1973, trận địa Khẩu đội 5 ở cạnh lô cốt trên cánh đồng làng Phương Ngạn do đồng chí Nguyễn Đình Quế lúc này đã được bổ nhiệm chức vụ Trung đội phó chỉ huy Khẩu đội 5 và Khẩu đội 6 ở khu vực Ba Nhà phía Nam làng Phương Ngạn chiến đấu với tốp máy bay F8U đang ném bom xuống làng Bố Liêu. Đồng chí Nguyễn Bá Phương - Khẩu đội phó Khẩu đội 5 đã ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Xuân Trì xạ thủ số 1, Trần Công Minh xạ thủ số 2, Trần Khắc Bình xạ thủ số 3 bám sát máy bay địch để tiêu diệt mục tiêu. Bằng trình độ điêu luyện của một “xạ thủ toàn năng”đã được huấn luyện kỹ ở Nông trường Quyết Thắng, đồng chí Nguyễn Xuân Trì đã bình tĩnh đưa chiếc máy bay đang bổ nhào vào vòng ngắm bắn một điểm xạ dài. Mười hai viên đạn vạch đường rời nòng súng lao thẳng vào mục tiêu. Chiếc may bay trúng đạn và bốc cháy.
Nguyễn Xuân Trì và đồng đội của anh đâu biết được rằng, trong khi chiến đấu với máy bay của địch, trận địa Khẩu đội 5 nằm giữa cánh đồng làng Phương Ngạn đã bị lộ mục tiêu. Một chiếc máy bay sau khi phát hiện được trận địa của Khẩu đội 5 đã lập tức bổ nhào ném bom bi vào trận địa. Thế rồi, trong số hàng trăm quả bom bi được tách ra từ quả bom mẹ, có một quả bom bi đã rơi trúng công sự của Khẩu đội 5. Lúc ấy là 15 giờ 30 phút ngày 15-1-1973 - thời điểm mà chỉ còn 12 ngày nữa Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức có hiệu lực, 5 cán bộ chiến sĩ Khẩu đội 5 đã anh dũng hy sinh.
45 năm đã trôi qua, đồng đội tôi giờ đây người còn, người mất. Nhưng mỗi khi gặp mặt truyền thống CCB Đại đội 16 chúng tôi lại cùng nhau ôn kỷ niệm về những trận đánh không thể nào quên của Khẩu đội 5 ở trận địa bên cạnh chiếc lô cốt trên cánh đồng làng Phương Ngạn, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị ngày 15-1-1973.
Giờ đây, bên trận địa từng lập được những chiến công hiển hách của Khẩu đội 5 năm xưa, chúng tôi đã xây dựng công trình “Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Bia chiến tích Khẩu đội 5” bằng đá xanh Thanh Hóa; xây dựng “Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”, Tượng đài “Non sông thống nhất” và các công trình phụ trợ hoành tráng, khang trang để tri ân các anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 27 đã chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì sự nghiệp giải phóng niềm Nam thống nhất Tổ quốc.
Hồi ký Nguyễn Văn Á