Tại Hội nghị tổng kết 5 năm "Tuổi cao gương sáng" vào cuối năm 2014 của Hội Người cao tuổi xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng trăm đại biểu về dự đều ngợi khen báo cáo điển hình của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hội CCB xã Đồng Quế (ảnh).
Sinh năm 1937, ông Nguyễn Thanh Tùng trông vẫn hồng hào, khoẻ khoắn lắm. Năm 1960, ông xung phong nhập ngũ rồi được vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, sau đó gần 7 năm sang làm chuyên gia quân sự ở Cam-pu-chia cho đến cuối năm 1987 thì nghỉ hưu với quân hàm Đại uý.
Về địa phương, nhà nghèo, “vợ yếu, con đông” ông cùng gia đình bước vào “cuộc chiến” chống đói nghèo bằng thuê đất mặt đường mở quán bán hàng và trồng cây ăn quả tại khu vườn của gia đình cùng tìm mua, chăm cây cảnh. Từ năm 2007 đến 2010, gia đình ông đã có hơn 100 chậu cây cảnh giá trị cùng hàng chục tác phẩm gỗ lũa, hàng chục khối đất sét để làm thủ công mỹ nghệ đất nung và tạo non bộ tiểu cảnh...
Vừa cần cù lao động, vừa thường xuyên "khăn gói" đi nhiều nơi "tìm thầy học nghề" và mời thầy về trực tiếp dạy bảo, nên "nghề cây cảnh nghệ thuật" của ông đã lấp lánh vinh quang. Hàng chục tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của ông được chọn tham dự triển lãm ở trong và tỉnh ngoài, trong đó có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm trong dịp kỷ niệm “1000 Thăng Long”. Năm 2009, ông có 3 tác phẩm dự thi cây cảnh nghệ thuật T.Ư, trong đó có 2 tác phẩm "Mảnh đời còn lại" và "Sau cơn bão" được nhận giải thưởng.
Từ khi thoát nghèo ông đi hưỡng dẫn làm nghệ thuật cây cảnh miễn phí cho nhiều đồng nghiệp. Ông bảo: “Có thêm một người bớt nghèo là đời thêm cái đẹp”.
Cách xóa nghèo của ông Nguyễn Thanh Tùng đương nhiên là không phải dễ ai cũng học tập được. Nhưng theo tổng kết của Hội người cao tuổi thì CCB là lực lượng chiếm số đông trong nghề trồng cây cảnh. Hi vọng sẽ có những CCB học cách xóa nghèo của ông Tùng.
Lê Đôn